Phụ nữ hợp tác làm kinh tế

11/12/2019 14:23 View Count: 216

Không chỉ gìn giữ được truyền thống quý báu là cần cù, tỉ mỉ trong chăm sóc gia đình, phụ nữ ngày nay còn rất nhanh nhạy và năng động trong phát triển kinh tế. Việc hình thành các mô hình HTX để gắn kết phụ nữ làm kinh tế theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ đang phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống không chỉ cho chị em mà còn nhiều người dân nông thôn khác.

HTX sản xuất nông sản an toàn Đại Xuân (xã Đại Xuân, Quế Võ) do phụ nữ làm chủ tham gia thử nghiệm sản xuất giống lúa thảo dược có giá trị kinh tế cao.

 

Dưới sự định hướng của Hội Phụ nữ tỉnh, năm 2017, HTX sản xuất nông sản an toàn Đại Xuân (xã Đại Xuân, Quế Võ) được thành lập với 7 thành viên. Bà Nguyễn Thị Hợp, Giám đốc HTX cho biết: “Khi còn làm công tác phụ nữ ở địa phương, tôi thấy chị em có khát khao thoát nghèo, làm giàu. Mà đặc thù phụ nữ chúng tôi phải gắn bó với gia đình, làng xóm nên không thể thoát ly được. Trong khi ở Đại Xuân có lợi thế về sản xuất lúa. Từ đặc thù ấy, nên sau khi về nghỉ, tôi vận động thành lập HTX với mong muốn có thể đổi mới phương thức sản xuất lúa đem lại giá trị cao cho cây lúa và thu nhập tốt hơn cho các chị em”.

Sau khi thống nhất được Ban Quản trị và phương án sản xuất kinh doanh, HTX huy động được 1 tỷ đồng vốn điều lệ để bắt đầu triển khai việc sản xuất giống lúa tẻ thơm Nàng xuân theo hướng an toàn. Theo đó, các thành viên HTX được tập huấn và tuân thủ việc sử dụng các chế phẩm sinh học từ phun thuốc, bón cây cho năng suất, chất lượng hạt gạo cao, thu nhập bình quân là 9 triệu đồng/vụ/thành viên. Năm 2017 giống gạo này được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đến năm 2019 là 1 trong 25 sản phẩm được tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh đợt 1.

Không dừng lại ở đó, HTX thường xuyên tham gia liên kết thực nghiệm các mô hình giống lúa, kỹ thuật canh tác mới. Năm 2019, HTX cấy thí điểm 2,5 ha lúa thảo dược thành công được nhiều HTX, nông dân địa phương và các vùng lân cận cũng đến học tập và triển khai. Đến nay, doanh thu bình quân của HTX là 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động, thu hút 30/32 thành viên là nữ. Với những thành tích đó, năm 2018, HTX vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đó là một trong số mô hình kinh tế tập thể mà phụ nữ đóng vai trò nòng cốt, góp phần cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần cho các chị em. Từ năm 2017 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh vận động thành lập được 11 HTX, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và 48 tổ liên kết sản xuất thu hút gần 3000 phụ nữ tham gia. Trong đó nhiều HTX do phụ nữ làm chủ đã tạo được chỗ đứng như HTX nông sản sạch Phú Trên (xã Phú Hòa, Lương Tài), HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Minh Ngọc (xã Đông Cứu, Gia Bình), HTX trồng nấm và rau sạch Tâm Bình (xã Liên Bão, Tiên Du), HTX nuôi trồng nông sản an toàn Xuân Lạc (xã Lạc Vệ, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Nghiêm Xá (thị trấn Chờ, Yên Phong)… hay mới nhất là HTX nông nghiệp tổng hợp Quang Minh (xã Cảnh Hưng, Tiên Du). Ưu điểm của mô hình kinh tế hợp tác này là các chị em được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, để phù hợp với xu thế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, họ cũng được tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ xã hội thay vì chỉ làm việc nhà như trước đây. Tuy vậy, cũng do đặc thù nên nhiều HTX do phụ nữ làm chủ còn hạn chế trong việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư giống cây, con, phương tiện hay năng lực, kiến thức cơ bản về cách quản lý, điều hành...

Thời gian tới, Liên minh HTX cùng Hội Phụ nữ tỉnh tích cực phối hợp triển khai vận động thành lập thêm mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, lồng ghép một số dự án giúp phụ nữ tiếp cận được nguồn hỗ trợ về vốn, đất đai; tập huấn kỹ thuật sản xuất, quản lý, điều hành để nhiều chị em mạnh dạn khởi nghiệp cùng HTX. Từ đó, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng hạnh phúc gia đình và làm giàu cho xã hội, góp phần nâng cao bình đẳng giới và thay đổi những định kiến xã hội về phụ nữ./.

Theo Báo Bắc Ninh