Đền Chi Long
(BNP) - Đền Chi Long, xã Long Châu, huyện Yên Phong vốn được khởi dựng từ lâu đời. Trải qua thăng trầm lịch sử, chiến tranh, đền đã nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Song đây là một trong những di tích vẫn còn giữ được công trình kiến trúc mang nhiều dấu ấn thời Lê với những mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao.
Cổng Đền Chi Long.
Đền Chi Long thờ vị nhân thần Nguyễn Suý Đỗ Nhuận, có công giúp Vua Lê Lợi đánh giặc ở thế kỷ XV.
Cổng phụ Đền Chi Long nằm trên đường làng, bên cạnh có ao nhỏ.
Đền hiện nay có kết cấu kiến trúc kiểu “chữ đinh” gồm Tiền đền và Hậu cung. Trong khuôn viên Đền có nhiều cây gỗ lim cổ thụ, tạo nên cảnh quan thâm nghiêm, cổ kính cho di tích.
Toàn cảnh khuôn viên Đền Chi Long rợp bóng mát.
Toà Tiền đền gồm 03 gian, tường xây gạch, mái ngói bình đầu, gian giữa mở cửa gỗ bức bàn chân quay, có hiên rộng 1,2m, nối với hai gian cạnh bằng hai cửa nách bằng gỗ.
Tòa Tiền đền.
Phía trước mặt đền xây hai cột đồng trụ đỉnh đắp nghê chầu, hai bên tường hai gian cạnh đắp nổi đôi voi quỳ. Mặt trước đền trên cột đồng trụ và cột gạch có 4 đôi câu đối. Trên bẩy hai vì giữa trước hiên đền trang trí tùng, cúc, trúc, mai, chim, thú…
Trong toà Tiền đền gồm 4 hàng cột ngang, 5 hàng cột dọc. Kết cấu hai vì giữa toà Tiền đền kiểu cột trụ câu đầu xà nách, tiền bẩy hậu kẻ. Kết cấu hai vì gian cạnh gồm: cột, câu đầu, sà cộc, tiền kẻ hậu kẻ.
Đôi nghê chầu được đắp trên đỉnh hai cột đồng trụ ở phía trước mặt toà Tiền đền.
Điều đáng chú ý của toà Tiền đền là các mảng chạm khắc nghệ thuật thời Nguyễn trên kẻ, cốn, đầu dư; trên xà cách 02 gian giữa có hai bức cốn chạm hình rồng cuốn thuỷ.
Hai bên tường hai gian cạnh đắp nổi đôi voi quỳ.
Hệ thống cửa tòa Tiền đền đều được làm bằng gỗ.
Phía trên của gian giữa toà tiền tế có bức đại tự sơn son thếp vàng ghi 4 chữ Hán: Hiển ứng linh từ. Phía dưới là bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm chạm long ngủ rồng quấn.
Các mảng chạm khắc nghệ thuật thời Nguyễn.
Hậu cung nối với gian Tiền tế, ở giữa là cửa cấm bằng gỗ trang trí rồng ẩn trong mây, hai bên là hai cửa đi vào Hậu cung, phía trên mỗi cửa nách là 1 bức cốn chạm nổi hình rồng cuốn thuỷ sơn son thếp vàng.
Ban thờ chính thờ thần Nguyễn Suý Đỗ Nhuận.
Hiện trong đền còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu, có giá trị từ thời Lê, Nguyễn như: Thần tích; Hương án; ngai bài vị; hoành phi, câu đối; bộ tam sự… Các cổ vật quý giá được người dân trân trọng, bảo vệ gìn giữ suốt nhiều thế hệ đã trở thành những di sản vô giá của di tích.
Bức đại tự sơn son thếp vàng ghi 4 chữ Hán "Hiển ứng linh từ"; bên dưới là bức cửa võng chạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Lễ hội truyền thống của Đền vào ngày 25 - 27/8 hàng năm. Trong ngày lễ hội, làng tổ chức lễ rước từ đình ra đền, sau 3 ngày rước trở lại đình.
Tấm sắc phong thời Nguyễn còn được lưu giữ trong Đền.
Đền là nơi người xưa thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", dựng đền thờ người có công với dân với nước nhằm giáo dục truyền thống quê hương cho con cháu mai sau. Ngoài ra, đây cũng là trung tâm tín ngưỡng để người dân gửi gắm tâm linh của mình đối với thần thánh và cũng là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.
Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đền Chi Long.
Đền Chi Long được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 1568/QĐ/BT ngày 01/6/1995.