Đình Vĩnh Thế
(BNP) - Căn cứ vào kiến trúc và tài liệu cổ vật còn lưu giữ tại di tích cho biết, đình Vĩnh Thế, thôn Vĩnh Thế, phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Nguyễn được trùng tu mở rộng với quy mô to lớn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy. Năm 2017, đình được trùng tu với quy mô lớn khang trang, bề thế như ngày nay.
Đình Vĩnh Thế có kiến trúc hình chữ Đinh.
Đình Vĩnh Thế nằm ở giữa làng, trên khu đất có diện tích là 1.736 m2, đình quay hướng Nam, phía trước là kênh Kim Đôi, phía sau là sân kho của hợp tác xã, bên phải là trường học cấp I, II của phường Đại Xuân, bên trái giáp với khu dân cư.
Trên nóc toà đại đình đắp nổi "rồng chầu mặt nguyệt".
Đình Vĩnh Thế thờ Thành hoàng làng là Thánh Tam Giang có công đánh thắng giặc Lương ở thế kỷ VI và Lang Bố Đại Vương, là những người có nhiều công lao với dân, với nước.
Đình thờ Thành hoàng làng là Thánh Tam Giang.
Đình Vĩnh Thế có kiến trúc hình chữ Đinh gồm: Tiền tế 3 gian 2 chái, bộ khung chịu lực sử dụng chất liệu truyền thống, các bộ vì được liên kết bởi 6 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc. Vì nóc được làm theo kiểu “con chồng, giá chiêng”, vì nách gian giữa kiểu ván mê chạm đề tài tứ linh, tứ quý, 2 gian bên kiểu con chồng, mở cửa cả 5 gian giữa kiểu bức bàn.
Hoành phi có niên đại 1884.
Hậu cung 3 gian, gian trong cùng là “cung cấm” có vì nóc kiểu “giá chiêng”. Ngăn cách giữa gian trong và gian giữa của Hậu cung là cửa cấm, có mở cửa ngách hai bên. Gian ngoài cùng của Hậu cung có vì nóc kiểu “con chồng”, trên đó treo bức hoành phi “Vạn cổ anh linh”, bên cạnh là dòng lạc khoản “Hàm Nghi nguyên niên”.
Bát biểu có niên đại thế kỷ XXI.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: Hoành phi có niên đại 1884; Bia đá có niên đại năm 1867, 1887, 1902, 1924; Hòm sắc, Ngai, bài vị, Mâm vuông, Bát hương, Giá văn, Mâm bồng có niên đại thời Nguyễn; Bát biểu, Hương án, Câu đối có niên đại thế kỷ XXI.
Bia đá có niên đại năm 1867, 1887, 1902, 1924.
Đình Vĩnh Thế là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của nhân dân địa phương. Cùng với giá trị về kiến trúc điêu khắc, đình Vĩnh Thế còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý như: Bia đá, hoành phi, câu đối, ngai thờ bài vị, đồ thờ tự… Những cổ vật này là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử đồng thời là những di sản văn hóa qúy giá của quê hương, đất nước.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Đình Vĩnh Thế được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1058 QĐ/ UBND, ngày 12/8/2008.