Chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh
(BNP) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi vừa ký, ban hành Kế hoạch số 4301/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Thái Bình của các hộ dân xã Trung Kênh, huyện Lương Tài.
Thông qua Kế hoạch nhằm chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, nâng cao tính bền vững trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật cần được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Phát động Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong năm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh; phối hợp với Sở Y tế trong công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng từng loại vắc xin cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả tiêm phòng. Kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản. Tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản.
Đặc biệt, khi xuất hiện dịch bệnh cần thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định. Tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh theo quy định. Tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y; tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản bị nhiễm bệnh theo quy định. Lập các chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi và đàn thủy sản trong vùng dịch, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ hoặc vứt xác gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh ra môi trường. Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng nghi có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Thực hiện chế độ giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.