Chùa Phúc Nguyện

24/07/2023 07:30

(BNP) - Chùa Phúc Nguyện (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) vốn xưa là chốn danh lam cổ tự có quy mô to lớn gồm nhiều công trình kiến trúc được xây dựng rất công phu tài nghệ, là trung tâm tín ngưỡng thờ Phật của nhân dân địa phương.

Cổng vào Chùa Phúc Nguyện.

Chùa Phúc Nguyện gồm các công trình kiến trúc: Tam quan, gác Chuông, Tiền đường và Thượng điện, đền thờ Quan lớn, nhà Tăng ni. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, một số các công trình kiến trúc cổ kính ở chùa Xuân Hội đã bị tàn phá, chỉ còn lại vườn tháp, Thượng điện, đền thờ Quan lớn, điện thờ Mẫu...

Tòa Tam bảo.

Gian thờ tượng Phật bên trong tòa Tam bảo.

Năm 1999, chùa Phúc Nguyện được trùng tu tôn tạo với quy mô khá lớn gồm nhiều công trình như: Đền thờ Quan lớn, nhà Mẫu, nhà Tổ, Tháp cổ, gác chuông, cổng tứ trụ, Tiền đường và Hậu đường (là công trình có kiến trúc thời Nguyễn còn bảo lưu được đến nay).

Các bức hoành phi tại chùa.

Theo tài liệu còn ghi lại, ông Nguyễn Công Dụ tự Phúc Hiền, người bản thôn làm quan Thái giám triều Lê, sau khi về trí sỹ tại quê nhà được vua ban lộc điền 12 mẫu ruộng, thấy chùa làng đổ nát, ông đã tự nguyện bỏ tiền ra tu ở đổi tên thành chùa Phúc Nguyện. Sau khi mất, dân làng nhớ công ơn ông đã tạc tượng và dựng nhà thờ cạnh chùa (gọi là đền thờ Quan lớn).

Mái lợp ngói mũi với kết cấu đơn giản.

Bộ khung gỗ lim, chạm khắc hoa lá cách điệu.

Hiện nay, Tòa Tam bảo của chùa có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian Tiền đường theo kiểu bình đầu bít đốc cánh miếng đắp văn triện, bờ dải hai bên trang trí hình rồng biến thể.

Gian nhà Mẫu.

Ba gian Hậu đường bộ khung gỗ lim, chạm khắc hoa lá cách điệu. Nhà Mẫu 4 gian bộ khung gỗ mái lợp ngói mũi, kết cấu đơn giản. Năm gian nhà Tổ mà được dựng lại năm 2010 theo kiểu thức truyền thống.

Gian nhà Tổ.

Đền thờ Quan lớn 4 gian chạy dọc mở cửa đầu hồi, bộ khung gỗ kết cấu đơn giản kiểu kèo kìm, cột trụ. Gian trong đền thờ có bài trí bia tượng Quan lớn Nguyễn Công Dụ và hai bên đặt tượng tổ khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng, trên quá giang treo bức hoành phi khắc nổi 4 chữ Hán “Hoạn tướng tham thiền”.

Tượng Quan thế âm bồ tát.

Các tháp mộ trong khuôn viên chùa.

Hiện nay chùa còn lưu giữ các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: Tượng Phật, tòa Cửu Long, tượng Tổ, bảo tháp, cây đèn, cây nến, lọ hoa, bát hương… đều là những sản phẩm nghệ thuật thời Nguyễn.

Gian thờ ông Thiện, ông Ác tại chùa.

Gác chuông tại chùa.

Lễ hội chùa Phúc Nguyện được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch.

Không gian rộng rãi, thoáng mát tại chùa.

Chùa Phúc Nguyện đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 1598/CT, ngày 30/11/1996.

A.T