Chùa Thị Chung
(BNP) - Chùa Thị Chung hay còn gọi là chùa Linh Quang Tự (khu phố Thị Chung, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) vốn được khởi dựng từ lâu đời. Chùa là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và các vị tổ sư. Đây là trung tâm thờ Phật của nhân dân hướng con người đến những điều tốt đẹp, khuyến đến điều thiện, dời xa cái ác.
Toàn cảnh chùa Thị Chung.
Căn cứ vào các tài liệu văn bia, văn chuông hiện lưu giữ tại chùa cho biết, chùa Thị Chung được trùng tu xây dựng với quy mô lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ thứ XIX) gồm các công trình như: Tam quan, Gác chuông, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, sân chùa… cùng vườn tược cây cối thâm nghiêm.
Lối vào chùaThị Chung.
Trải bao sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa Thị Chung đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 2010, cùng với đình Thị Chung, ngôi chùa đã được trùng tu tôn tạo lại với dáng vẻ khang trang trên nền xưa đất cũ.
Tòa Tam bảo.
Hiện chùa Thị Chung nằm giữa khu dân cư. Mặt trước của chùa giáp danh và quay ra trục đường Hồ Ngọc Lân, đối diện với Nhà văn hóa khu Thị Chung. Phía Nam giáp đình Thị Chung, phía Tây và Bắc giáp khu dân cư. Đình và chùa nằm cạnh nhau tạo thành một quần thể di tích quy mô, khang trang tố hảo.
Bên trong gian thờ chính.
Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm: Tam quan, Gác chuông, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, Nhà bia, Vườn tháp cùng một số công trình phụ trợ khác.
Hệ thống tượng phật được thờ tại chùa.
Tam bảo là công trình kiến trúc chính của chùa có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ Tiền đường và hai gian Thượng điện.
Bộ khung của chùa được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ.
Tiền đường được xây theo lối bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp nổi tên chùa “Linh Quang tự”. Bộ khung gỗ lim chắc khoẻ được liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 5 hàng cột dọc, vì nóc giá chiêng chồng rường, vì nách kẻ ngồi.
Trên các cấu kiện kiến trúc như con rường, bẩy hiên, các bộ vì được chạm khắc hình hoa lá cách điệu. Nối với gian giữa Tiền đường là hai gian Thượng điện liên kết bởi 3 hàng cột ngang, 2 hàng cột dọc, vì nóc giá chiêng chồng rường.
Tháp Tam Tổ.
Hiện trong đình còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như: Bia “Linh Quang tự bi” niên đại Minh Mệnh 16 (1835); Bia gửi giỗ: niên đại Tự Đức 7 (1854); Bia “Linh Quang tự bi” niên đại Duy Tân 2 (1908); Chuông “Tam giáo Linh Quang tự chung” niên đại Minh Mệnh 20 (1839); hệ thống tượng Phật, Câu đối, Hoành phi, Hương án, chuông đồng…
Chùa Thị Chung có ngày hội chùa vào 15 tháng Giêng. Ngoài ra còn có ngày vào hè (15 tháng 4), ngày ra hè (15 tháng 7), ngày giỗ Tổ (7 tháng 2).
Trong những ngày này và các ngày tuần Rằm, mồng một hàng tháng, đông đảo phật tử địa phương tới chùa dâng hương, lễ phật cầu may.
Chùa Thị Chung được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 20/08/2012 của UBND tỉnh.