Di tích lịch sử - văn hoá chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự)
(BNP) - Theo tài liệu văn bia cho biết, Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự), khu phố Cung Kiệm, phường Nhân Hoà, thị xã Quế Võ vốn có từ lâu đời, đến thời Lê sơ đã được nhiều người biết đến. Trải qua thời gian, chùa được Nhân dân nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 2018, chùa được dựng lại toàn bộ. Chùa đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1996.
Nhà Tam bảo, Chùa Cung Kiệm.
Nhà Tam bảo được xây dựng với quy mô lớn.
Chùa Cung Kiệm hiện tọa lạc trên diện tích đất hơn 3.000m2, ở vị trí trung tâm của khu phố, mặt chính quay hướng Đông Nam, trước mặt là nhà văn hóa, bên phải giáp đình, các phía còn lại giáp dân cư.
Chùa Cung Kiệm là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu.
Hiện nay, chùa bao gồm các công trình chính: Cổng, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, Lầu Quan âm. Trong đó, nhà Tam bảo có kết cấu hình chữ đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, trên bờ nóc đắp tên chùa, cửa mở 3 gian giữa kiểu “thượng song hạ bản”, 2 gian hồi trổ cửa sổ. Vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường bán giá chiêng”.
Các mảng chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật.
Xung quanh nhà Tam bảo có hành lang. Thượng điện 3 gian, bộ khung chịu lực làm bằng gỗ. Nhà Tổ 5 gian 2 mái, bình đầu bít đốc, các cấu kiện ít được đục chạm, bộ khung gỗ chịu lực. Nhà Mẫu 3 gian, bộ khung bê tông. Nhà khách, nhà tăng 2 tầng 4 mái đao cong. Lầu Quan âm 2 tầng 8 mái đao cong.
Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Thế âm.
Chùa Cung Kiệm là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu. Chùa hiện bảo lưu được pho tượng Quan Thế âm bằng đá được tạo tác năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa thứ 7 (1449). Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quan âm lưu truyền ở Việt Nam, có thể thấy pho tượng Quan âm thể hiện ứng thân của Nam Hải Quan âm, cũng thường được biết đến với tên gọi Quan âm Diệu Thiện. Pho tượng gồm hai phần: Thân tượng và bệ tượng với chiều cao tổng thể là 88,7cm. Trên cả 02 phần pho tượng đều khắc minh văn, có tất cả 67 chữ cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức.
Gian thờ chính trong nhà Tổ.
Ngày 30/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận pho tượng Quan Thế âm tại chùa Cung Kiệm, phường Nhân Hòa là Bảo vật Quốc gia.
Bên cạnh đó, một số hiện vật tiêu biểu gồm: Bia “Hậu phật bi ký” bằng đá có niên đại năm 1705, năm 1806; Bia tứ diện, có niên đại năm 1676; Cây hương có niên đại năm 1729; Tượng, chuông, trống có niên đại thế kỷ XXI.
Một góc chùa Cung Kiệm.
Xung quanh nhà Tam bảo có hành lang.
Chùa Cung Kiệm được khởi dựng từ lâu đời và được tôn tạo trong lịch sử, hiện còn bảo lưu được bia đá, một số đồ thờ tự và tượng Phật thời Lê, Nguyễn có giá trị về lịch sử. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây, góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác.
Cổng chùa Cung Kiệm.
Chùa Cung Kiệm được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1598/CT ngày 30/11/1996.