Phong tục gói bánh chưng ngày Tết - Nét đẹp cổ truyền lưu giữ mãi

08/02/2024 09:23

(BNP) - Gói bánh chưng ngày Tết là một phong tục truyền thống ở nước ta gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng, mang giá trị văn hóa truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.

Cùng với sự phát triển, đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều phong tục cổ truyền ngày Tết đã bị mai một, tuy nhiên, tục gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên ngày Tết thì vẫn được nhiều gia đình duy trì.

Trong mâm cỗ đón Xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.

Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống như: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá dong…

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và gói trong lá dong... Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, tức vào ngày giỗ tổ Vua Hùng. Vì có từ thời Vua Hùng thứ 6, bánh chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết. Những người từng trải qua Tết xưa như những năm 40-50 của thế kỷ về trước, thường nhớ về Tết cổ truyền với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ chiếc lá dong, hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh cho tới lạt tre.

Lá dong được tước bỏ sống lá, sau đó rửa sạch.

 Từ những nguyên liệu đã được chuẩn bị, khâu gói bánh đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chặt tay để chiếc bánh chưng khi luộc sẽ dền và vuông vắn.

 Những chiếc bánh gói xong được xếp chặt chẽ vào nồi, luộc trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tiếng.

Ngồi quanh nồi bánh chưng, trò chuyện và ôn lại kỷ niệm của một năm đã qua là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trong mỗi gia đình.

N.N