Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thị xã Quế Võ tăng bình quân 12,6%
(BNP) – Giai đoạn 2020 - 2023, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn thị xã Quế Võ diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,6%/năm.
Người dân mua sắm tại siêu thị Minh Anh (thị xã Quế Võ).
Thị xã đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh thương mại, phát triển trung tâm thương mại DABACO; hệ thống chợ, siêu thị, hệ thống chuỗi dịch vụ tiện ích, các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới chợ nông thôn được quy hoạch, xây dựng mở rộng, toàn thị xã có 02 chợ thương mại lớn được xây dựng mới là chợ Châu Cầu được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 4/2021 và 01 chợ tại Phương Cầu, phường Phương Liễu, cùng 14 chợ nông thôn, 5 siêu thị Phố Mới và các cửa hàng dịch vụ thương mại phát triển khắp các xã, phường trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 4.106 tỷ đồng, đến năm 2023 ước đạt 5.860 tỷ đồng.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách được phát triển mạnh mẽ; các loại hình dịch vụ được tăng trưởng như: Bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, bảo hiểm; các loại dịch vụ được nâng cao, mạng lưới điện thoại, dịch vụ internet, đài phát thanh được phủ kín đến cơ sở...
Thị xã Quế Võ thực hiện quản lý ngân sách đúng luật, hàng năm thu ngân sách đều vượt kế hoạch được giao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 591 tỷ đồng; năm 2023 ước đạt hơn 575 tỷ đồng (mục tiêu đại hội đến năm 2025 đạt 815 tỷ đồng).
Thời gian tới, Quế Võ tiếp tục tập trung thu hút đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, đặc biệt ưu tiên các dự án có quy mô, tính chất cấp vùng và khu vực, các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí quy mô lớn; thực hiện nâng cấp hệ thống thương mại ở khu vực nông thôn phù hợp với định hướng phát triển, trình độ dân trí, cơ cấu kinh tế, quy mô dân số, quy mô đô thị từng vùng và từng địa phương.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển thị trường khu vực nông thôn; phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh nhằm tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế với các loại hình phân phối, dịch vụ tiện ích. Thúc đẩy quá trình hội nhập vào định hướng phát triển vành đai xanh “Du lịch, văn hoá và sinh thái” sông Đuống, sông Cầu - Kết nối chuỗi di tích Thuận Thành, Phật Tích, Núi Dạm, cụm di tích Gia Bình, gốm Phù Lãng và Phả Lại - Lục Đầu Giang.