Từ đường Thuận Đức tộc
(BNP) - Từ đường gia tộc Xuân Đình tướng công Nguyễn Đình Nhuận có tên chữ là "Thuận Đức tộc" thuộc khu Công Cối, phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ, vốn được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), đến thời Nguyễn (năm 1898) Nguyễn Đình Nhuận, khi về hưu trí tại quê nhà, đã cho xây dựng lại và đặt tên chữ là "Từ đường Thuận Đức tộc". Trải qua thời gian, từ đường bị xuống cấp nặng, đến năm 2017 trùng tu như hiện nay.
Từ đường Thuận Đức tộc có cấu trúc kiểu chữ Nhị.
Từ đường Thuận Đức tộc là nơi tôn thờ tưởng niệm Nguyễn Đình Nhuận một nhà khoa bảng, đồng thời là một danh tướng triều Nguyễn, ông từng giữ các chức vụ như: Năm 1882 làm Tổng đốc Sơn - Hưng – Tuyên, rồi Tham tri bộ Lại, Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh và Tả phó Đô ngự sử triều đình. Năm 1894 ông còn được cử làm Chủ khảo trường thi Hương ở Nghệ An. Năm 1896, khi ông ở tuổi 67, ông nghỉ hưu tại quê nhà.
Từ đường là nơi thờ Nguyễn Đình Nhuận, một danh tướng triều Nguyễn.
Bộ bát biểu trong từ đường.
Khi về hưu, ông đã cho xây đập giữ nước để cấy cho 700 mẫu ruộng đất bỏ hoang, góp phần để dân no ấm. Đồng thời cho xây điếm để rước tế Thành hoàng làng. Vì có nhiều công lao với dân với nước, Nguyễn Đình Nhuận không những được triều đình nhà Nguyễn phong thưởng mà còn được nhân dân làng xã kính trong gọi là cụ "Thượng Gội". Đối với gia tộc mình, ông cho xây dựng nhà thờ đặt tên chữ là "Thuận Đức tộc", viết tộc phả, khắc bia, đặt ruộng hương hoả để thờ cúng tổ tiên. Khi ông mất (ngày 24 tháng giêng năm 1907) gia tộc đã thờ ông tại đây.
Bia thân thế sự nghiệp tướng công Xuân Đình.
Từ đường Thuận Đức tộc nằm trên khu đất có diện tích là 478m2, quay hướng Đông Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Phía trước Tiền tế là sân gạch, vườn cây, tường gạch xây bao quanh và cổng ra vào.
Bia đá có niên đại 1917.
Hiện nay từ đường Thuận Đức tộc có cấu trúc kiểu chữ Nhị, bao gồm các hạng mục công trình: Tiền đường có quy mô 5 gian 2 dĩ, kiến trúc kiểu tường hồi, hai mái, bờ nóc đắp gờ chỉ, kìm nóc dạng trụ đấu, mái lợp ngói mũi di, cửa mở cả 5 gian. Bộ khung toà Tiền tế được liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, gồm 4 bộ vì chính, 2 bộ vì hồi, sử dụng chất liệu truyền thống, kết cấu vì nóc gian giữa kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách kiểu kẻ ngồi; kết cấu vì nóc gian bên kiểu chồng rường, vì nách gian bên kiểu chồng rường ván mê chạm cuốn thư, hoa lá tinh xảo nghệ thuật kiểu, vì hồi kiểu chồng rường giá chiêng, trên câu đầu, con chồng, đầu kẻ chạm khắc hoa lá cách điệu.
Bia sử họ Thuận Đức.
Hậu đường có quy mô 3 gian, kiến trúc kiểu bình đầu cột trụ tay ngai, mái lợp ngói mũi di, cửa mở cả 3 gian kiểu ván ghép. Bộ khung gồm 4 bộ vì chính, kết cấu vì mái gian giữa kiểu trụ trốn quá giang gác tường, cột hiên đỡ kẻ hiên, kết cấu vì nóc gian bên kiểu ván mê chạm hoa văn hình triện, trên kẻ hiên, con chồng, đầu quá giang chạm hoa lá cách điệu.
Biển chỉ dẫn từ đường Thuận Đức tộc.
Mặc dù trải qua tháng năm lịch sử, từ đường Thuận Đức tộc còn giữ nguyên dáng vẻ cổ kính, gìn giữ được nhiều cổ vật quý giá như: Bia đá có niên đại 1917; ngai, bát biểu, hương án, cuốn thư, giá văn, câu đối, cây đèn, sập thờ, mâm bồng, bộ ngũ sự có niên đại thời Nguyễn... vừa là chứng tích của từ đường và người được thờ trong lịch sử, vừa là những di sản văn hóa quý giá của quê hương, đất nước.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Từ đường Thuận Đức tộc được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa tại Quyết định số 115/QĐ UBND ngày 16/8/2007.