bn-current-user-online-portlet

Online : 3472
Total visited : 150795824

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm - Biện pháp hiệu quả ngừa lây nhiễm HIV

02/08/2020 07:41 View Count: 171
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Bắc Ninh khởi động chậm lại so với dự kiến. Giữa tháng 6, sự kiện được tổ chức với mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực trong phòng ngừa lây nhiễm HIV cho những đối tượng nguy cơ cao thông qua phương pháp điều trị dự phòng lần đầu tiên được thực hiện tại Bắc Ninh.

Bác sĩ Trần Văn Vinh, khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đến nay, sau gần 2 tháng khởi động, Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) thu dung được 7 bệnh nhân. Đối tượng tiếp nhận của chương trình PrEP là những người có nguy cơ cao như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV hoặc đã điều trị ARV nhưng tải lượng virus cao, người nghiện chích ma tuý, người chuyển giới nữ, những người tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV… Sau khi được tư vấn, nếu họ có nhu cầu sử dụng thuốc sẽ được thực hiện các xét nghiệm và cấp thuốc.

Bác sĩ Trần Văn Vinh cho biết thêm, việc tiếp cận các đối tượng không khó khăn do bệnh nhân thường đến từ các nguồn như: Nhân viên tiếp cận cộng đồng giới thiệu đến, các cơ sở y tế giới thiệu hoặc tự đến do có thông tin từ những người có cùng hoàn cảnh. Những bệnh nhân đang thực hiện PrEP đều là người Bắc Ninh, là người đồng tính hoặc cặp bạn tình dị nhiễm. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với công tác tìm kiếm người thực hiện PrEP trên địa bàn tỉnh hiện nay được nhận định do đây là chương trình hoàn toàn mới, việc tiếp cận thông tin của các đối tượng còn hạn chế. Những người đã tiếp cận được hầu hết đang điều trị tại các địa phương khác, do vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng số người điều trị, thời gian tới, cơ quan chuyên môn và mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS tăng cường tiếp cận nhóm đối tượng chuyển giới nam và các bệnh nhân đang điều trị thay thế bằng Methadone.

Ở Việt Nam, PrEP được triển khai thí điểm tại 2 địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào năm 2017 và dự kiến đến hết 2020, PrEP sẽ được triển khai tại 26 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 12-2019, có 7.517 người có nguy cơ cao nhiễm HIV sử dụng dịch vụ PrEP. Chỉ có 2 trong tổng số 7.517 khách hàng (chiếm 0,026%) sử dụng dịch vụ PrEP có kết quả xét nghiệm HIV (+); trong đó, có 1 trường hợp phát hiện có đột biến kháng thuốc và 1 trường hợp HIV (+) do không tuân thủ điều trị PrEP. Theo các bác sĩ, việc tuân thủ tốt trong điều trị PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trên 90% và PrEP an toàn cho người dùng, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Theo Bác sĩ Đinh Mai Vân, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch HIV/AIDS tuy có xu hướng giảm so với những năm trước đây song chưa ổn định và vẫn có nguy cơ bùng phát. Hiện nay, người nhiễm HIV hiện vẫn tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao như: Người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Qua công tác giám sát cho thấy tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh trong 3 năm gần đây và cùng với đó là lây nhiễm HIV trong cộng đồng người chuyển giới cũng có xu hướng tăng lên. Uớc tính, cộng đồng MSM trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.500 người. Nhóm này có cả “bóng kín” và “bóng lộ”. Với nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, đây cũng là một trong những nhóm cần được can thiệp trong thời gian tới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đối với những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Những cặp bạn tình dị nhiễm của người nhiễm HIV, những người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm… thì PrEP là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện. Tại Bắc Ninh, dịch vụ PrEP được triển khai tại 4 cơ sở y tế công lập: Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); Trung tâm Y tế 2 huyện Gia Bình, Quế Võ; Cơ sở điều trị Methadone (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Trong quá trình điều trị PrEP và các dịch vụ xét nghiệm như: HIV, viêm gan C, lậu, giang mai… sẽ được Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ.

Nguyễn Hạnh