bn-current-user-online-portlet

Online : 2997
Total visited : 150730543

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

18/04/2023 08:30 View Count: 360

Tỉ số giới tính khi sinh tự nhiên là 104 -106 bé trai/100 bé gái. Năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh của Bắc Ninh ở mức 120.7 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn hẳn mức trung bình của cả nước là 113.7 trẻ trai/100 trẻ gái. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành thức thức lớn với công tác dân số, bởi những hệ lụy mà vấn đề này đã và đang gây ra là không hề nhỏ.

\

Mất cân bằng giới tính khi sinh không gây hệ lụy ngay trước mắt nhưng có ảnh hưởng lâu dài trong tương lai

* Mất cân bằng giới tính xảy ra ngay từ lần sinh thứ 1 và đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3

Vợ chồng anh Vũ Văn Đ. (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đến Bắc Ninh làm công nhân vì ở quê làm kinh tế khó khăn, vất vả. Kết hôn và quyết định có con, nhưng anh Đ. mong muốn có được con trai ngay để không phải sinh nhiều con. Anh Đ. chia sẻ: “Điều kiện gia đình khó khăn, vợ chồng làm công nhân lương tháng cũng chỉ đủ trang trải thuê nhà và sinh hoạt, một phần còn gửi về cho bố mẹ già. Vì thế em cũng mong có con trai luôn từ đầu để chỉ sinh một cháu thôi cho đỡ vất vả!”

Còn chị Nguyễn Thị T. (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) đã có 3 con gái, nhưng do áp lực từ gia đình, chồng là con một, bản thân chị cũng mong muốn có một đứa con trai để sau này về già, 2 vợ chồng sẽ có nơi để “nhờ cậy và nương tựa”. Vì thế, vợ chồng chị vẫn bỏ ra một khoản chi phí lớn để thực hiện thụ tinh nhân tạo tại Hà Nội cho chắc chắn được con trai. Những trường hợp sinh đến lần thứ 4, thậm chí lần thứ 5 để có được con trai như chị T. không hề hiếm thấy hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – Phó Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất khi có không ít thai phụ muốn sinh con trai ngay lần đầu tiên với tâm lí “ăn chắc”; và vấn đề này đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Với những gia đình đã có 2 con gái, xác suất sinh thêm con cao gấp đôi những gia đình đã có 2 con trai hoặc đã “đủ nếp đủ tẻ”. Tỉ lệ sinh con thứ 3 không chỉ với các gia đình chưa có con trai, mà những gia đình đã có 1 trai – 1 gái vẫn mong muốn sinh thêm con thứ 3 cho “có anh có em”, đặc biệt là tâm lí “dự phòng trường hợp không may”. Kinh tế phát triển, các chính sách pháp luật về sinh con thứ 3 cũng được nới lỏng hơn nên khá nhiều bộ phận cán bộ là công chức, viên chức và gia đình có điều kiện tại các làng nghề sinh con thứ 3 có xu hướng tăng lên.

Nhiều phụ nữ do quan điểm gia đình nên vẫn phải cố bằng được sinh con trai trong khi đã có 2, thậm chí 3 con gái

Có thể thấy, tâm lí “trọng nam khinh nữ” trong tư tưởng của người dân vẫn là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay. Cùng với đó, lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và áp dụng một số kỹ thuật sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này. Áp lực giảm sinh khi mô hình gia đình chỉ có 1 – 2 con, suy thoái kinh tế cũng khiến các cặp gia đình vừa mong muốn có ít con, lại muốn trong số đó phải có con trai. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn, một bộ phận người cao tuổi không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái. Mà quan niệm truyền thống, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về con trai nên sẽ cảm thấy lo lắng khi về già không có con trai.

* Tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân từ những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo bác sĩ Nguyễn Hải – Trưởng Phòng Dân số - KHHGĐ, Sở Y tế, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ mang lại rất nhiều hệ lụy cho không chỉ bản thân gia đình mà còn với cả xã hội. Đến tuổi kết hôn, sẽ có nhiều nam giới không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Với thực trạng về tỉ số giới tính khi sinh như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi, dư thừa số lượng nam thanh niên. Đặc biệt, khi lựa chọn sinh con trai, có nghĩa đã tước đi quyền sống của những bé gái. Trong khi đó, một trong những quyền con người cơ bản – quyền được sống của những thai nhi là gái đã không được đảm bảo.

Theo Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu cụ thể là giảm tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỉ số này đạt 111/100 vào năm 2025  và mức 109/100 vào năm 2030. Do đó cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Để thực hiện được mục tiêu mà Đề án đưa ra, ngành y tế sẽ cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng này cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và người có uy tín trong cộng đồng… Từ đó phối hợp triển khai đồng bộ có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giưới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp…

Lê Hồng