bn-current-user-online-portlet

Online : 3749
Total visited : 151108688

Bệnh viện Sản Nhi: “Cai” thở máy thành công cho bệnh nhi sau gần 8 tháng thở máy

14/03/2017 16:13 View Count: 139

Thở máy dài ngày được chỉ định áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp nặng không có khả năng tự thở. Tuy nhiên, đây là một kĩ thuật khá khó với hàng loạt biến chứng như nhu mô phổi và phế nang, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, loét ép, nhiễm khuẩn bệnh viện… Bệnh nhân chỉ có thể “cai” máy khi cơ quan hô hấp được phục hồi đáng kể, nội môi và chức năng sống ổn định. Mới đây, bệnh viện Sản Nhi đã thực hiện  thành công phương pháp này.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh nhi Bùi Văn Luận đã có thể vận động tay chân, bắt đầu tập ngồi

Bệnh nhi Bùi Văn Luận 8 tuổi ở xã Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh có tiền sử phát triển tinh thần, vận động bình thường. Cách đây 2 năm, cháu bắt đầu có biểu hiện yếu tay chân, hạn chế đi lại, cơ toàn thân teo dần. Biểu hiện này nặng dần, gây teo các cơ hô hấp dẫn đến khó thở, suy hô hấp. Tháng 9/2016, Luận được chẩn đoán hẹp ống sống đoạn cổ sau 1 tháng nằm thở máy tại bệnh viện Nhi trung ương. Sau đó em được phẫu thuật, tiếp tục thở máy thêm 1 tháng và ngày 5/10/2016 chuyển về điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực nhi, khoa
Nội Nhi, bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Kiên – Phó khoa Nội Nhi, trưởng Đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi nhận định, khi tiếp nhận bệnh nhân Luận từ bệnh viện Nhi trung ương chuyển về, tình trạng cháu rất yếu. Sau mổ hẹp ống sống cổ thì tủy của cháu bị phù nề nặng, các cơ trong cơ thể lại gần như bị teo hết, trong đó các cơ hô hấp cũng bị teo hoàn toàn nên xác định khả năng cai máy thở cho Luận là gần như không có. Vì muốn cai được máy thì điều kiện cơ bản là các cơ hô hấp phải hoạt động được trở lại! Ban đầu khi tiếp nhận cháu Luận, các y bác sĩ trong Đơn nguyên cũng chỉ biết cố gắng trong công tác chăm sóc, điều dưỡng là chính, cố gắng đảm bảo làm sao chống nhiễm khuẩn tốt nhất cho cháu. Bởi những trường hợp thở máy dài ngày như bệnh nhân này, nguy cơ cao là có thể bị viêm phổi do thở máy, thậm chí có khả năng bị nhiễm trùng huyết từ những vi khuẩn có khả năng kháng thuốc rất cao tồn tại trong bệnh viện. Nếu không may nhiễm phải thì nguy cơ cháu không qua khỏi là rất cao!

Được biết, đối với những trường hợp phải thở máy dài ngày ngoài các thông số được cài đặt sẵn trong máy thở thì việc thực hiện đúng chế độ chăm sóc, trực tiếp theo dõi bệnh nhân tại giường bệnh là hoạt động quan trọng nhất. Vì vậy, các cán bộ trong đơn nguyên hồi sức tích cực nhi đã theo dõi sát sao tình hình, diễn biến của bệnh nhân Luận, có kế hoạch chăm sóc cụ thể từ hỗ trợ hô hấp, phối hợp chặt chẽ với gia đình bệnh nhân trong khâu phòng chống nhiễm khuẩn, loét ép, nuôi dưỡng dinh dưỡng và vận động thể lực cũng như kịp thời phát hiện những biến chứng của quá trình thở máy. Nhờ đó, sau 3 tháng thở máy kéo dài, các cơ hô hấp của cháu được dần hồi phục, bắt đầu có biểu hiện cử động tay, tăng cân và có nhịp tự thở. Tiên lượng bệnh nhân có khả năng cai thở máy được nên giữa tháng 1/2017, Luận được bắt đầu cai máy và đến nay sau 2 tháng đã có thể tự thở tốt và cai máy hoàn toàn.

Không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiên (Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh) là bà ngoại Luận, cũng là người trực tiếp chăm sóc, đồng hành cùng cháu trong suốt quá trình điều trị rơm rớm nước mắt: “Lúc 4 tuổi cháu vẫn đi học bình thường, nhưng thỉnh thoảng đi hay bị ngã, rồi nó cứ yếu dần, yếu dần và liệt nửa người. Hành trình đi tìm bệnh của bà cháu tôi ròng rã mấy năm trời, từ bại não đến liệt cơ đều không phải. Thậm chí có những lúc cháu liệt hoàn toàn, đầu ngửa hẳn ra phía sau không cử động được, loét hết phần sau gáy và phần mông, ăn không tiêu được, muốn ăn bữa sau thì phải hút hết bữa trước ra… Gia đình đã có thời điểm còn chuẩn bị sẵn tinh thần đến 90% là cháu không sống được. Các bác sĩ thường bảo cháu là “còn bùn còn tát chứ không phải là còn nước còn tát nữa!” Vậy mà đến bây giờ thấy cháu có thể giơ tay chào, cử động tay chân nhẹ nhàng, nói được vài câu thể hiện ý muốn và bước đầu ngồi dậy được. Phải nói là cuộc đời của cháu bây giờ như được bắt đầu lại từ đầu các cô ạ! Giờ cháu sẽ giống như một em bé mới sinh ra, cũng tập giơ tay, giơ chân, tập ngồi tập đi. Cháu hay nói với tôi là giờ chỉ có mong muốn là sớm khỏi bệnh để lại được đi học như các bạn thôi! Tôi cũng mong cháu không phải thở máy nữa thì sẽ sớm được đi tập phục hồi chức năng, vận động lại để sớm hòa nhập với cộng đồng!”

Thạc sĩ, BSCKII Ngô Thị Xuân – Phó giám đốc bệnh viện Sản Nhi cho biết, đơn nguyên Hồi sức tích cực nhi thuộc khoa Nội Nhi được thành lập từ tháng 5/2016, thực hiện tiếp nhận những trường hợp cấp cứu, điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân nặng, những trường hợp suy hô hấp, viêm phổi nặng, sốc… Trước đây, khi còn là khoa Nhi của BVĐK tỉnh, hầu hết những trường hợp có chỉ định thở máy đều phải chuyển lên tuyến trên bởi trang thiết bị còn thiếu, nhân lực lại hạn chế. Từ khi đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi được thành lập và trang bị cho 3 máy thở hiện đại, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận và thực hiện thở máy cho những bệnh nhi có chỉ định. Tuy nhiên, thở máy dài ngày lên đến vài tháng, thậm chí nửa năm như bệnh nhi Luận thì đây là trường hợp đầu tiên! Việc thực hiện thở máy dài ngày thành công và “cai” được thở máy cho bệnh nhân này có ý nghĩa vô cùng lớn. Trước hết là đối với gia đình người bệnh, cháu bé sẽ sớm được phục hồi chức năng vận động và dần hòa nhập với cộng đồng. Sau đó là niềm vui của đội ngũ cán bộ y tế, sau trường hợp này, cả bác sĩ lẫn điều dưỡng của chúng tôi đều sẽ thu lượm thêm được rất nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân thở máy dài ngày, sẽ là tiền để để anh em cán bộ trong khoa nói chung và bệnh viện nói riêng có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong công cuộc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”.
Nguyễn Oanh
Source: Trung tâm TT-GDSK tỉnh