bn-current-user-online-portlet

Online : 3032
Total visited : 150688538

Bộ Y tế luôn coi chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu

26/08/2024 13:25 View Count: 47

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu.

Đẩy mạnh liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của người dân

Thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/2/2023 về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đã triển khai Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 05/04/2023 cùng nhiều văn bản liên quan, nhằm định hướng và điều phối các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.

Về định danh công dân trong khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đạt 93,35%, mỗi năm có tới 170 triệu lượt khám bệnh ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó khám chữa bệnh BHYT chiếm 60% và 17 triệu lượt điều trị nội trú, trong đó người bệnh BHYT chiếm 80%.

Dữ liệu khám chữa bệnh BHYT phục vụ thanh quyết toán, và một số loại giấy tờ phục vụ dịch vụ công trực tuyến như giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử đã được liên thông thường quy qua hạ tầng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.

Bộ Y tế luôn coi chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu- Ảnh 1.

Nhiều cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, góp phần tạo thuận lợi cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay 84,7 triệu căn cước công dân đã được cấp cho 100% công dân Việt Nam đủ điều kiện; đã cấp 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân.

Ứng dụng VNeID đã được tích hợp nhiều loại giấy tờ, dịch vụ như: giấy phép lái xe, BHYT, thông tin BHXH, thông tin cư trú của công dân.

Theo báo cáo của cơ quan BHXH Việt Nam, đến nay tỷ lệ đồng bộ giữa Số Căn cước công dân và Số định danh cá nhân với Số thẻ BHYT đạt tỷ lệ 94%. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tích hợp dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau dựa trên Số định danh cá nhân và Số căn cước công dân hình thành Sổ sức khỏe điện tử toàn dân, mở ra một chương mới cho kỷ nguyên chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để đạt được những nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Công an để tích hợp dữ liệu người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử với ứng dụng định danh điện tử nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử thông qua việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử toàn dân VNeID dựa trên dữ liệu khám chữa bệnh BHYT mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Hướng đến triển khai thống nhất trên toàn quốc sử dụng Sổ sức khỏe trên VNeID

Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đã có Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện nay, triển khai Đề án 06/CP, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 31/10/2023 quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) cũng đã ban hành văn bản số 130/KCB-QLCL&CĐT xin góp ý dự thảo Quyết định ban hành các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị trên VNeID triển khai toàn quốc.

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm tại TP Hà Nội và các ý kiến của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện và ban hành văn bản để triển khai thống nhất trên toàn quốc sử dụng Sổ sức khỏe trên VNeID.

Bộ Y tế cũng cho biết đối với các tiêu chí về chức năng của bệnh án điện tử đã được quy định tại nhóm tiêu chí về phần mềm bệnh án điện tử tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về Bộ Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định các nội dung về hồ sơ bệnh án điện tử tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Đối với nội dung tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa, hiện nay Điều 87 và Điều 88 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể.

Cùng với đó Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BYT ngày 30/12/2023 quy định danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 quy định hoạt động y tế từ xa; Quyết định số 28/QĐ-BYT ngày 05/01/2021 ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hoạt động y tế từ xa với các nội dung kỹ thuật công nghệ thông tin tương đối đầy đủ để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện để triển khai; Công văn số 7946/BYT-KCB ngày 12/12/2023 về việc hướng dẫn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở.

Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý dữ liệu y tế, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2024.

Source: SKĐS