bn-current-user-online-portlet

Online : 3431
Total visited : 151113869

Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát hiệu thuốc bán kháng sinh

23/09/2017 08:43 View Count: 75

Để hạn chế tình trạng tự ý dùng thuốc kháng sinh tràn lan gây nguy hiểm cho sức khỏe, sáng ngày 21/9, Bộ Y tế đã họp và ban hành thí điểm giám sát việc mua bán loại thuốc này bằng hệ thống camera tại các nhà thuốc trên cả nước.

Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị sẽ thí điểm giám sát việc mua bán thuốc kháng sinh đối với tất cả các hiệu thuốc trên cả nước.Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Kéo theo đó, chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng.

Trước thực tế này, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc.

Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

“Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của WHO về phòng, chống kháng thuốc và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vừa qua tại Hội nghị các nước G20, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã góp phần tích cực cho chương trình nghị sự của Hội nghị, trong đó có phòng, chống kháng thuốc” - bà Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Đồng thời Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế...

Tại hội nghị, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.

"Tuy nhiên nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng", đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Theo Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4 % (thành thị) và 18,7% (nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

Trọng Tiến (st)
Source: vtc