bn-current-user-online-portlet

Online : 4101
Total visited : 150755806

Bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số ngành Y

23/02/2022 14:02 View Count: 528

Hai năm 2021, 2022 được coi là giai đoạn quan trọng ghi dấu bước tiến mạnh mẽ của ngành Y tế Bắc Ninh trong công cuộc chuyển đổi số. Từ giữa tháng 10-2021, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh có tên trong danh sách các bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế); cũng trong quý IV năm 2021, sau thời gian chuẩn bị, khớp nối các cấu phần liên quan, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu chạy thử nghiệm bệnh án điện tử để rút kinh nghiệm, hoàn thiện khi chính thức thực hiện.

Trong số khoảng 1.500 bệnh viện trong cả nước, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh là đơn vị thứ 18 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Đối với ngành Y tế Bắc Ninh, Sản - Nhi là đơn vị đầu tiên vận hành bệnh án điện tử trong quản lý, khám chữa bệnh và đây là kết quả của gần 2 năm chuẩn bị các điều kiện liên quan. Bệnh viện bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) từ cuối năm 2019. Tiếp theo đó, đơn vị đưa vào áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)... Từ tháng 7 đến tháng 9-2021, đơn vị nâng cấp hệ thống, hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử. Sau chương trình thẩm định các điều kiện triển khai hệ thống CNTT của bệnh viện vào cuối tháng 9-2021 của Hội đồng chuyên môn do PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá đã đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Để chính thức triển khai được bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải đáp ứng tối thiểu mức 6 về ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, cụ thể về hạ tầng CNTT và phần mềm thông tin bệnh viện (HIS) phải đạt mức 6, phần mềm thông tin xét nghiệm (LIS) và phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) đạt mức nâng cao, bảo mật an toàn thông tin đạt mức nâng cao, trong đó chú trọng đến triển khai chữ ký số.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải trải qua 3 giai đoạn triển khai phần mềm bệnh án điện tử. Trong đó, giai đoạn I, đơn vị kết nối với hệ thống PACS cơ bản, đầu tư hệ thống để triển khai lấy số xếp hàng, lưu trữ SAN/NAS, thiết bị tường lửa, HIS cũng được chỉ định trên môi trường điện tử, hoàn thiện đồng bộ bệnh án giấy và bệnh án điện tử, các module quản lý nhân sự, quản lý trang thiết bị y tế. Ở giai đoạn 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng và thực hiện các giải pháp như: Bảng thông báo điện tử (thông tin bản tin bệnh viện, giá dịch vụ...), thanh toán viện phí điện tử, hỗ trợ hội chẩn nhiều điểm cầu, chẩn đoán hình ảnh qua mạng bằng việc hỗ trợ các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Trong giai đoạn 3, các tiêu chí và giải pháp tiếp tục được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai để đạt mức 6 như: Quản lý phác đồ điều trị, quản lý dinh dưỡng, kê đơn, chỉ định, trả kết quả cận lâm sàng trên máy tính bảng, điện thoại thông minh trên hệ thống HIS; quản lý và đồng bộ thông tin nhân khẩu của bệnh nhân, quản lý việc kết nối, tương tác với các hệ thống thông tin khác trong bệnh viện trên EMR (bệnh án điện tử); thông tin nghiên cứu khoa học, quản lý chất lượng bệnh viện và chỉ đạo tuyến trên hệ thống quản lý điều hành. Về hệ thống bảo mật và an toàn thông tin, các dữ liệu quan trọng, nhạy cảm có thể được mã hoá bằng các kỹ thuật tránh lấy cắp dữ liệu; hệ thống quản lý được các bộ khoá giải mã dữ liệu, người sử dụng giải mã được dữ liệu khi được cung cấp khoá giải mã, thiết lập cơ chế chống tấn công từ chối dịch vụ trên hệ thống, đồng thời tích hợp chữ ký số. Trong khi đó, CDSS (Hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng) có quy tắc kiểm tra và phát hiện xung đột ban đầu trong chỉ định hoặc kê toa thuốc. Bệnh viện cũng phải đã điện tử hoá tất cả các biểu mẫu ghi chép của bác sỹ, điều dưỡng với các biểu mẫu có cấu trúc bao gồm: Ghi chú diễn biến, tư vấn, danh sách các vấn đề, tóm tắt ra viện… Việc quản lý thuốc được thực hiện theo quy trình khép kín, sử dụng mã vạch (bar code) hoặc các công nghệ khác để định danh tự động, cấp phát thuốc tại giường bệnh, sử dụng công nghệ định danh tự động (quét mã vạch trên bao bì thuốc và mã vạch ID bệnh nhân). Hiện tại, Bệnh viện đang tiếp tục triển khai và nâng cao thêm các nội dung, hạng mục mới đạt mức cơ bản.

Theo đánh giá, thực trạng chung của các đơn vị trước khi triển khai bệnh án điện tử là không bảo đảm vận hành liên tục, hệ thống mạng Lan chậm, kém ổn định, trong khi đó các hệ thống phần mềm chưa liên thông được. Chưa kể, các đơn vị đều phải bố trí khu vực kho lưu trữ bệnh án giấy, độ chính xác của thông tin trên bệnh án bị ảnh hưởng bởi những trường hợp chữ viết tay xấu, khó đọc; phát sinh chất thải nhựa do vẫn phải in phim Xquang, CT; còn người bệnh phải chờ đợi lâu để làm các thủ tuc hành chính… Khi được triển khai, bệnh án điện tử sẽ giải quyết những hạn chế này của bệnh án giấy.

Theo lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT, từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ngày 30-12-2030 là hạn chót để các cơ sở khám, chữa bệnh hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Không chỉ là xu thế thời đại, đẩy mạnh ứng dụng CNTT là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc “số hoá” ngành Y

Thuỳ Vy - Hồng Linh