bn-current-user-online-portlet

Online : 2682
Total visited : 150734241

Các bệnh viện dã chiến hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị COVID-19

01/07/2021 13:41 View Count: 619

Gần 2 tháng qua, Bắc Ninh đã ghi nhận hơn 1600 ca F0. Để kịp thời thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID- 19, không để dịch lây lan ra cộng đồng ngành y tế đã  tham mưu thành lập, triển khai 6 đơn vị điều trị F0, trong đó có BVĐK tỉnh, 04 bệnh viện dã chiến dân sự và Bộ quốc phòng thành lập 01 bệnh viện dã chiến quân đội. Đến nay, tình hình dịch cơ bản đã được khống chế, toàn tỉnh có gần 1.300 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, 04 bệnh viện dã chiến đã được giải thể. Sau những vất vả, gian khổ và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ y tế, các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị COVID-19.

Ngày cao điểm, các bệnh viện dã chiến có thể tiếp nhận hàng chục bệnh nhân trong mọi thời điểm bất kể ngày - đêm

Những ca COVID-19 đầu tiên được ghi nhận vào đầu tháng 5/2021; chỉ sau vài ngày, các ca bệnh tăng lên liên tục, nhất là tại địa bàn huyện Thuận Thành. UBND tỉnh đã khẩn trương thành lập và chỉ đạo ngành y tế triển khai và đưa vào hoạt động 2 bệnh viện dã chiến số 1 (tại TTYT Tiên Du) và số 2 (tại TTYT Gia Bình) vào ngày 9/5. Trong khi toàn tỉnh đang dồn sức dập dịch tại Thuận Thành và triển khai các giải pháp bảo vệ khu công nghiệp, thì “đợt sóng” liên quan đến ổ dịch tại khu công nghiệp Bắc Giang xuất hiện và số ca mắc tiếp tục tăng lên chóng mặt. Ngày 20/5, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 (Bộ Quốc phòng) được triển khai chỉ sau 1 ngày huy động tổng lực. Đến ngày 26/5, ngành y tế tiếp tục triển khai thêm 2 bệnh viện dã chiến số 3 (tại TTYT huyện Thuận Thành) và số 04 (tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Y học cổ truyền – phục hồi chức năng). Chỉ trong khoảng 20 ngày, các bệnh viện dã chiến đã đáp ứng được việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID- 19 tại các tuyến với 1600 giường bệnh.

Người bệnh COVID-19 đều được lấy máu, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay tại phòng bệnh

COVID-19 là một căn bệnh mới chưa từng có tiền lệ, lại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên việc điều trị gặp khá nhiều khó khăn. Lần đầu tiên điều trị COVID-19, áp lực, căng thẳng bởi chưa có kinh nghiệm mà lại phải điều trị nhiều bệnh nhân một lúc, cán bộ y tế phải kín như bưng trong bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết khắc nghiệt không điều hòa, từ nhân lực đến vật lực đều còn nhiều hạn chế; đối tượng bệnh nhân trải dài từ trẻ em đến người già… Cán bộ y tế không chỉ là người điều trị mà còn là người nhà chăm bệnh, là người bạn động viên tinh thần cho bệnh nhân. “Vừa làm vừa dò, vừa tham vấn”, “vừa làm vừa chăm” là phương châm hoạt động chính của các cán bộ y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trong suốt thời gian qua.

Các y, bác sĩ hàng ngày đều theo dõi sát từng diễn biến của người bệnh để kịp thời xử lí những bất thường

Bác sĩ CKII Nguyễn Diệu Hường – Trưởng khoa điều trị bệnh nhân dương tính – Bệnh viện dã chiến số 1 cho biết, ngày 2 lần, cán bộ y tế thăm khám và theo dõi tình trạng, diễn biến của từng bệnh nhân để có sự điều chỉnh thuốc cụ thể. Những bệnh nhân cần lấy máu xét nghiệm sẽ được làm tại giường, khi chiếu chụp X-quang hay siêu âm, cận lâm sàng để đảm bảo công tác phòng dịch thì khoa điều trị sẽ có liên hệ trước với bộ phận cận lâm sàng và có điều dưỡng hộ tống đến tận nơi. Thực tế điều trị tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ Hường cho biết có nhiều trường hợp đặc biệt, có gia đình cả nhà phải đi cách ly tập trung và điều trị tại bệnh viện, vào viện gấp gáp, gần như không có bất kì một vật dụng, tư trang cá nhân nào; có gia đình vào điều trị cả bà, mẹ và cháu nhỏ chỉ có 17 tháng, bé vẫn đang bú mẹ nhưng tình trạng diễn biến của mẹ nặng hơn, phải chuyển vào phòng riêng, đêm đến bé quấy khóc đòi mẹ; hay bé đã có kết quả âm tính nhưng mẹ vẫn dương tính...thì toàn bộ từ chăm sóc đến điều trị đều do cán bộ y tế phụ trách hết.

Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lí rác thải được các bệnh viện dã chiến đặc biệt chú trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh và cán bộ y tế

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 – Bộ Quốc phòng cho biết, bệnh viện được thành lập tại trường Sỹ quan chính trị tỉnh Bắc Ninh trong thời gian vô cùng ngắn và gấp gáp, cơ sở hạ tầng lại trưng dụng của trường học nên rất thiếu thốn. Tuy thế nhưng vừa làm vừa khắc phục, cải thiện nên mọi thứ đều đi vào quy củ rất nhanh. Có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận đến gần 40 bệnh nhân COVID-19 suốt từ sáng đến đêm vì bệnh nhân ở các địa phương các nhau chuyển đến. Xe cứu thương ra vào liên tục, bộ phận khử khuẩn cũng như cán bộ trực 24/24 để đảm bảo công việc. Trong quá trình điều trị, toàn bộ bệnh nhân đều được các y, bác sĩ theo dõi sát những diến biến bất thường để làm xét nghiệm và xử lí kịp thời, không để chuyển biến nặng. Công tác tiệt khuẩn và xử lí rác thải cũng là một trong những vấn đề trọng tâm đối với đơn vị; vì xác định khối lượng rác thải của bệnh viện dã chiến lớn hơn rất nhiều lần bệnh viện thông thường, toàn bộ rác thải đều được coi là nguy hại và phải xử lí nên quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn được tổ chức chặt chẽ, quy củ, điều hành linh hoạt để đảm bảo an toàn của bệnh nhân, an toàn của nhân viên y tế tại bệnh viện.

Niềm vui và sự hân hoan của cán bộ y tế cũng như người bệnh ngày xuất viện

Bệnh nhân N.V.A là một trong những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 trên địa bàn huyện Tiên Du những ngày đầu tháng 5. Gia đình có 3 người bị mắc COVID-19 phải đi điều trị; bố thì tuổi cao, em trai bị tai nạn đang trong thời gian điều trị và bản thân V.A là người khỏe nhất. Trong lúc vô cùng lo lắng, sợ hãi thì các cán bộ y tế của bệnh viện dã chiến số 1 là người đồng hành cùng cả gia đình chị. Từ việc theo dõi sức khỏe, cung cấp từng bữa ăn, từng vật dụng cá nhân phục vụ sinh hoạt tại bệnh viện đều được các y, bác sĩ chăm lo từng chút. Sau 14 ngày điều trị, cả 3 người trong nhà V.A đều được xuất viện, đáng mừng nhất là sức khỏe của em trai sau tai nạn cũng được cải thiện đáng kể.

Sau khi giải thể, các bệnh viện dã chiến được phun khử khuẩn theo quy định

Còn ông D.V.A là công dân của huyện Thuận Thành, sống trong “tâm dịch” của tỉnh những ngày tháng 5. Ông cùng hàng trăm người dân Thuận Thành không may nhiễm COVID-19. Là căn bệnh mới, bệnh viện của tỉnh cũng mới thành lập dã chiến để điều trị cho bệnh nhân nên ông được điều chuyển qua 3 bệnh viện. Ông A là 1 trong 11 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của bệnh viện dã chiến quân đội được xuất viện. Ông A chia sẻ, các bệnh nhân dương tính mới được điều trị ở một khu, bệnh nhân có kết quả dương tính ở một khu và bệnh nhân chờ ra viện ở một khu riêng biệt. Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều ở tình trạng bệnh vừa phải, nên ngoài việc dùng thuốc, các bác sĩ khuyến khích và động viên người bệnh rất nhiều về việc bổ sung dinh dưỡng qua các bữa ăn, hướng dẫn người bệnh tập luyện để nâng cao sức khỏe nên ai cũng đều rất phấn khởi.

Nhờ có sự phân tuyến điều trị cụ thể, BVĐK tỉnh tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng và bệnh nhân có bệnh lí nền, các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhẹ và bệnh nhân không triệu chứng. Cùng với đó là sự cá thể hóa phác đồ điều trị đến từng bệnh nhân mà đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, đồng thời số lượng bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện tăng từng ngày, số giường điều trị COVID giảm rõ rệt, hiện chỉ còn 570. Trên cơ sở đó, các bệnh viện dã chiến được giải thể và trở lại hoạt động bình thường. Ngay sau khi giải thể và dừng hoạt động, các bệnh viện dã chiến đã thực hiện các biện pháp khử trùng, khử khuẩn, làm sạch môi trường. Trước đó, các TTYT Gia Bình và Thuận Thành đã quay trở lại tiếp nhận khám, chữa bệnh thường quy; Bệnh viện dã chiến số 4 cũng đang hoàn tất các thủ tục, quy trình để đưa bệnh viện Phổi và bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng trở lại hoạt động bình thường vào đầu tháng 7 tới.

Bác sĩ CKI Phạm Đăng Hùng – Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 cho biết, ngay sau khi giải thể thì Ban giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 đã họp và xây dựng kế hoạch của 2 bệnh viện trước khi đưa vào hoạt động bình thường. Toàn bộ cán bộ tham gia điều trị F0 đều được đưa đi cách ly tập trung trong 14 ngày theo quy định; bệnh viện tiến hành ổn định bộ máy, tổ chức nhân sự của 2 đơn vị bệnh viện Phổi và bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng. Đặc biệt, công tác khử khuẩn, tiêu độc khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt; toàn bộ vệ sinh nội – ngoại cảnh và nhất là khu vực điều trị F0 được phun khử khuẩn đầy đủ, mở cửa thông thoáng để trao đổi không khí, sau đó tiến hành lau bề mặt trong 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày 2 lần để đảm bảo không còn vi khuẩn, vi rút tồn đọng trên bề mặt hay không khí trước khi tiếp nhận bệnh nhân vào khám, chữa bệnh thường quy.

Mới đây, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện dã chiến số 1 Tiên Du tiếp nhận toàn bộ bệnh nhân từ các bệnh viện dã chiến, đồng thời giao BVĐK tỉnh triển khai 300 giường điều trị và tiếp nhận toàn bộ bệnh nhân COVID mới của toàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ còn 281 bệnh nhân F0 đang điều trị, trong đó 100 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 1 lần. Với các biện pháp mạnh áp dụng phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương trong phòng, chống dịch được triển khai xuyên suốt 2 tháng qua. Đây là những tín hiệu vui  hứa hẹn việc đã kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID – 19 trong những ngày tới./.

Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh