bn-current-user-online-portlet

Online : 3444
Total visited : 150758781

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp điều trị

28/04/2021 08:15 View Count: 1534

Trong xã hội hiện đại, “hội chứng tự kỷ” đã không còn là câu chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, thông tin liên quan đến hội chứng đặc biệt này vẫn còn nhiều hạn chế, có thể làm ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ...

Đưa con trai gần 5 tuổi đến khám, đánh giá mức độ cần can thiệp tại phòng khám Tâm bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, chị M. ở Hán Quảng (Quế Võ) cho biết lần đầu tiên chị nghĩ đến tình huống con bị bệnh là lúc con hơn 1 tuổi, khi đó, bé vừa ăn cháo vừa nhảy. Chị M. tiếc vì đã không đưa con thăm khám ngay sau đó, dẫn đến kéo chậm sự tiến bộ của con, gần 5 tuổi, cậu bé hội đủ các biểu hiện điển hình của bệnh tự kỷ. Ngay sau đó, một bà mẹ trẻ ở phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) đưa cậu con trai 3 tuổi đến khám bởi ở nhà bé ít nói, nói câu rất ngắn, nếu nói thường phát âm lặp đi lặp lại bằng tiếng Anh. Cậu bé sau khi được đánh giá lâm sàng được xác định bị rối loạn ngôn ngữ, bác sĩ hướng dẫn gia đình can thiệp tại nhà.

Theo bác sĩ Vũ Thị Chí, người chuyên tiếp nhận, đánh giá lâm sàng cho bệnh nhi mắc rối loạn phổ tự kỷ tại phòng khám chuyên khoa Tâm bệnh thuộc khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: “Rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm rối loạn sinh học thần kinh, xuất hiện sớm và kéo dài, biểu hiện ở các mức độ khác nhau và đặc trưng bởi những thiếu sót về: Giảm tương tác xã hội, giảm giao tiếp, hành vi bất thường. Những dấu hiệu báo động tự kỷ bao gồm: Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: Chỉ ngón, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp… không nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; không nói câu 2 từ khi 24 tháng tuổi; mất kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào”.

Theo các thống kê, tỷ lệ tự kỷ ước tính là 1% dân số thế giới, xuất hiện ở trẻ trai nhiều gấp  4-6 lần so với trẻ gái. Các rối loạn đi kèm với tự kỷ có thể bao gồm: Chậm phát triển trí tuệ, tăng động, rối loạn hành vi, rối loạn ăn, ngủ, các rối loạn điều hoà cảm giác. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra tự kỷ vẫn chưa được biết rõ. Các giả thuyết cho biết yếu tố gen chiếm vai trò quan trọng, kết hợp với các yếu tố môi trường bất lợi khác như: Mẹ nhiễm khuẩn, nhiễm virus lúc mang thai; khi sinh bị ngạt, sang chấn não, can thiệp sản khoa, sinh non; tổn thương hệ thần kinh. Các yếu tố tâm lý xã hội như gia đình ít quan tâm, trẻ xem nhiều ti vi… không phải là nguyên nhân tự kỷ, mà làm mức độ tự kỷ nặng hơn.

Trẻ tự kỷ được phát hiện sớm và can thiệp sớm sẽ có hiệu quả can thiệp tốt hơn, giảm các ảnh hưởng về chức năng sinh hoạt, học tập, hoà nhập xã hội. Điều này đã được chứng minh với nhiều trường hợp trẻ hoà nhập được cuộc sống bình thường hoặc tiến bộ vượt bậc sau khi được phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên, trên thực tế, trở ngại lớn nhất để các con được tiếp cận can thiệp sớm lại là vấn đề thông tin đối với các bậc cha mẹ. Ở nhiều trường hợp, họ không chấp nhận sự thật là con mình có tâm bệnh, điều này dẫn đến các con mất cơ hội điều trị can thiệp trong “giai đoạn vàng”; một số khác, do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, họ đành chấp nhận để con ở nhà với tâm lý đầu hàng “được đến đâu hay đến đó”.

Đánh giá lâm sàng để xây dựng kế hoạch can thiệp trẻ tự kỷ cho trẻ lần đầu đến khám tại phòng khám chuyên khoa Tâm bệnh.

Can thiệp tại các trung tâm giáo dục đặc biệt thì chi phí khá cao, với khoảng 4-5 triệu đồng/tháng có thể là gánh nặng kinh tế với các gia đình có thu nhập bình dân. Trong khi các con đều phải điều trị can thiệp thời gian rất dài, có trẻ vài năm, có trẻ lên đến chục năm, thì nhiều gia đình không thể theo đuổi được việc cho con học can thiệp liên tục và kéo dài là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong trường hợp đó, các con được tiếp nhận điều trị can thiệp tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, hưởng BHYT như khám, chữa các bệnh thông thường có thể coi là một “giải pháp sáng” cho tương lai còn mờ mịt của những gia đình có trẻ mắc các rối loạn phổ tự kỷ khó khăn về kinh tế.

Tại phòng khám chuyên khoa Tâm bệnh, bệnh nhi được can thiệp cá nhân và có giờ vận động chung. Về hoạt động can thiệp cá nhân, tuỳ thuộc mức độ phát triển của mỗi trẻ, các y bác sĩ sẽ lên kế hoạch can thiệp phù hợp với tình trạng bệnh. Thời gian vận động chung được thực hiện theo phương pháp vừa chơi vừa học. Đối với những trẻ có biểu hiện vận động thô, vận động tinh kém sẽ được hỗ trợ thêm phần vận động. Hơn 40 bệnh nhi đang kiên trì thực hiện can thiệp tại đây, bé lớn nhất 6 tuổi, trẻ nhỏ nhất mới 23 tháng tuổi với các dạng bệnh khác nhau, một số trẻ có bệnh kèm theo nên kế hoạch can thiệp, điều trị cũng có sự khác biệt.

Điều dưỡng Trần Thị Ngọc Anh cho biết công việc của chị và một đồng nghiệp tại phòng khám hằng ngày là lên chương trình hỗ trợ cho trẻ cả buổi sáng và chiều. Mỗi hoạt động can thiệp cá nhân 1:1 (1 cô: 1 trẻ) duy trì từ 30 phút đến 1 giờ tuỳ theo khả năng tiếp nhận của mỗi trẻ; một số trẻ ngoài can thiệp cá nhân còn phải tập vận động, ví dụ nếu một trẻ chậm phát triển trên nền bệnh nhân bại não, đi được nhưng chân yếu thì các y bác sĩ sẽ ưu tiên các vấn đề về vận động trước, sau đó có bài tập riêng. Hoạt động can thiệp cá nhân và tập vận động được luân phiên thực hiện theo đợt để có sự đánh giá chính xác về tiến triển của các bệnh nhi.

Bác sĩ CKII Trần Thị Thuỷ, Trưởng khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: Đối với một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, thời gian can thiệp cần thiết rất dài, có những bạn lên tới 5-7 năm. Thể bệnh của các trẻ lại “muôn hình vạn dạng” nên nhiều khi bố mẹ bỏ qua giai đoạn quan trọng nhất để trẻ có cơ hội hoà nhập cộng đồng. Việc can thiệp cá nhân 1:1 tại bệnh viện chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, vì vậy, để trẻ tiến bộ cần thiết phải có sự phối hợp, kiên trì của gia đình khi trẻ sinh hoạt tại nhà.  

Nghiên cứu chỉ ra rằng, can thiệp sớm hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng của não. Trên thực tế, trẻ từ 18 – 36 tháng tuổi nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị thì khoảng 30% khả năng trẻ sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Để quá độ tuổi này, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Với trẻ em từ 0 - 6 tuổi, giáo viên và phụ huynh là hai nhóm người chăm sóc trẻ chính. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần tìm hiểu những thông tin về phát hiện sớm, đối chiếu những thông tin đó với sự phát triển hiện tại của trẻ. Nếu có nghi ngờ, họ nên giới thiệu, hoặc đưa trẻ tới bác sỹ hoặc chuyên gia để có chẩn đoán chính xác ở thời điểm sớm nhất.

Với trẻ mắc các rối loạn phổ tự kỷ, can thiệp sớm nên được thực hiện ngay sau khi phát hiện những khó khăn của trẻ, không đợi cho đến khi trẻ có đầy đủ triệu chứng của tự kỷ. Tuổi can thiệp tốt nhất là từ 2-3 tuổi. Các kỹ năng dạy trẻ cơ bản như: Tạo chú ý, nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, phát âm, tự phục vụ, quản lý hành vi, điều hoà cảm giác, tâm vận động… nghe thì đơn giản với các trẻ bình thường nhưng có thể là kỳ tích ở các trẻ có tâm bệnh, nó đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, tâm huyết và sự kiên trì không giới hạn của mỗi gia đình, bậc làm cha mẹ không may có con tự kỷ.

Trẻ tự kỷ đã không còn là câu chuyện của riêng một gia đình nào. Sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng xã hội sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ, để các em có thể học tập, hòa nhập, được thể hiện, được phát triển những khả năng của mình như bao trẻ em bình thường khác./.
Khắc Thụy