bn-current-user-online-portlet

Online : 3432
Total visited : 150795764

Chăm lo sức khoẻ cho người lao động trong ngành Y tế

05/03/2024 09:02 View Count: 36

“An toàn lao động, vệ sinh lao động” được hiểu là tổng hợp các biện pháp về khoa học – kĩ thuật, y tế – vệ sinh học, kinh tế học… được tiến hành nhằm thiết lập điều kiện làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị tai nạn lao động hoặc giảm thiểu tỉ lệ người bị mắc bệnh nghề nghiệp trong môi trường làm việc.

Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm có hại và tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, công tác về an toàn, vệ sinh lao động được xem là là một trong những chính sách kinh tế – xã hội lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, là một nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, với quan điểm nhất quán luôn coi việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động là trách nhiệm và lợi ích thiết thực nhất đối với người sử dụng lao động, người lao động và xã hội.

Trung tâm KSBT tỉnh thực hiện Giám sát các hoạt động ATVSLĐ tại các doanh nghiệp 

Nghề y là nghề đặc biệt, lao động ngành y tế là loại hình lao động đặc biệt vì đối tượng tác động là con người, thực hành công việc mang tính khẩn trương liên tục. Toàn bộ người lao động làm việc trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập (gọi chung là nhân viên y tế) phải trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, trực tiếp tiếp xúc các bệnh phẩm nguy hiểm độc hại và xử lý các vụ dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao như HIV/AIDS, viêm gan vi rút, vi khuẩn lao, SARS, H5N1 và đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn ra nên rất dễ bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, nhân viên y tế (NVYT) còn chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi, tiếng ồn, điện từ trường, phóng xạ, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn… Cùng với tính chất công việc đòi hỏi sự tập trung, khối lượng công việc lớn và trách nhiệm cao có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong ngành. Chính vì vậy, ngành Y tế luôn chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), bảo vệ người lao động trước những rủi ro ốm đau, tai nạn nghề nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh  Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho nguời lao động. Các chế độ chính sách về công tác ATVSLĐ đã được triển khai thực hiện. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 cho các NVYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh như xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…  

Năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đơn vị đầu mối thực hiện các hoạt động An toàn vệ sinh lao động đã xây dựng kế hoạch Triển khai Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Theo đó, các hoạt động cụ thể như sau : Tham gia lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ kết hợp tổ chức Tháng công nhân năm 2024 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (dự kiến sáng 26/4/2024). Tham gia lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 do Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức dự kiến ngày 24/4/2024 tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh.

Công tác truyền thông tập trung vào các hoạt động: Phát động phong trào thi đua về ATVSLĐ trong cơ quan, đơn vị.Tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao  nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội; Tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ TNLĐ, BNN, sự cố để phòng tránh TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.Phát động chiến dịch truyền thông về đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc An toàn – Xanh – Sạch – Đẹp – Thân thiện. Đặc biệt tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn: Cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại đơn vị và tiến hành tổ chức quan trắc môi trường lao động năm 2024 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Hướng dẫn các đơn vị trong ngành Y tế thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động và thực hiện quan trắc môi trường lao động tại đơn vị năm 2024. Thực hiện quan trắc môi trường lao động và hướng dẫn các doanh nghiệp lập, cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại doanh nghiệp.Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại tại các doanh nghiệp có yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.  Đôn đốc Trung tâm Y tế các huyện/thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động hưởng ứng tháng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 và kế hoạch kiểm tra, giám sát vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao độngnăm 2024. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hướng dẫn vệ sinh lao động thuộc phân cấp quản lý năm 2024.Hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong ngành về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.Hỗ trợ huấn luyện về sơ cấp cứu cho lực lượng sơ cấp cứu tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia các đoàn điều tra tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.

Công tác kiểm tra, giám sát: Chủ động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện về vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động: Công tác quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, công tác cải thiện điều kiện làm việc đối với cơ sở có yếu tố có hại , có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (tập trung các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, dung môi, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tử). Tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.  Phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động các doanh nghiệp thuộc phạm vi phân cấp quản lý của tuyến huyện.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần quan tâm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, công trình vệ sinh phúc lợi tại nơi làm việc. Đối với những đơn vị có sử dụng nhiều chủng loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như nồi hấp áp lực, lò hơi, hệ thống khí nén, hệ thống oxy lỏng, bình khí nén, máy X-quang, thang máy, hệ thống điều hòa trung tâm, hóa chất…cần phải đăng ký và kiểm định nhằm đảm bảo thực hiện theo quy định và phòng ngừa các sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chính là giảm thiểu những rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, tăng năng suất lao động và tăng chất lượng chăm sóc người bệnh.

Nguyễn Huệ