bn-current-user-online-portlet

Online : 3792
Total visited : 151108705

Chuyển mùa, trẻ mắc viêm đường hô hấp tăng đột biến

19/10/2020 08:13 View Count: 276

Thời tiết lạnh như hiện nay tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, nhất là cúm, bệnh đường hô hấp...

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời tiết lạnh, ẩm thấp thường kèm với nguy cơ cao mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm. Đây là đợt cao điểm của các chứng bệnh như viêm họng, ho và sổ mũi.

Virus tồn tại và sinh sôi nảy nở nhanh chóng ở điều kiện nhiệt độ thấp gây ra sự bội nhiễm cho con người. Thêm vào đó, thời tiết lạnh hơn có thể làm giảm phản ứng miễn dịch, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc bệnh ở người - nhất là ở trẻ nhỏ.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, tập trung ở nhóm tuổi từ 1 - 3 tuổi.

Phần lớn trẻ nhập viện với bệnh cảnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi. Căn nguyên gây bệnh thường gặp là virus theo mùa như cúm A, virus hợp bào hô hấp... Trên cơ địa trẻ bị nhiễm những loại virus này, thì dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo.

Bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Số bệnh nhân đông nên chúng tôi, phần lớn các ca bệnh ở trẻ lây qua đường hô hấp nên chúng tôi điều trị, cách ly tại 2 cơ sở tại Giải Phóng và Kim Chung, Đông Anh.

Trong số này, đa phần là đều không nặng, chỉ điều trị căn nguyên. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: D.Hải.

Theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, các bệnh đường hô hấp ở trẻ mắc phải xử trí không quá phức tạp, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý trẻ sẽ mau khỏi bệnh. Với các trường hợp trẻ không được chăm sóc, điều trị viêm phổi kịp thời, trẻ có thể bị bội nhiễm kèm theo, nhiễm khuẩn huyết... khiến bệnh lâu khỏi, thời gian nằm viện dài ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

“Từ tình trạng ban đầu chỉ đơn giản là ứ đọng đờm dãi, các cháu có thể bị bội nhiễm viêm tai giữa, bội nhiễm viêm phế quản phổi, và thậm chí là tình trạng nặng hơn như nhiễm khuẩn huyết.... Do đó, cha mẹ không tự ý điều trị cho con” - BS Thúy cho hay.

Để phòng các bệnh đường hô hấp, bác sĩ Đặng Thị Thúy khuyến cáo: Cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ.

Chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người. Người lớn cần hướng dẫn trẻ rửa tay và thậm chí là rửa đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi.

Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.

Nếu trẻ ốm nên cách ly chăm sóc tại gia đình, việc này sẽ giúp chăm sóc trẻ tốt hơn và tránh lây lan cho người khác.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Rất nhiều người không hề biết rằng, chỉ cần vài biện pháp đơn giản có thể ngăn ngừa ốm vô cùng hiệu quả. Bất kì ai cũng không nên chủ quan với sức khỏe của mình khi trời lạnh.
Cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể, ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Hạn chế ăn đồ ăn lạnh dễ khiến cơ thể bị lạnh.
Phải rửa tay thường xuyên bởi virus lây từ người sang người và rửa tay có thể ngăn chặn sự lây lan.
Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng phải ở nơi kín gió và có thiết bị sưởi hoặc ủ ấm để tránh nhiễm lạnh. Tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh; rèn luyện sức khỏe hàng ngày...
Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh nguy cơ bị trúng gió, cảm lạnh.
Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Nguyễn Oanh
Source: Tổng hợp