bn-current-user-online-portlet

Online : 3775
Total visited : 151108631

Cứu sống bệnh nhân bị ngộ độc nặng do uống nhầm rượu thành cồn công nghiệp

15/02/2018 07:52 View Count: 157

Sáng 13/2, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhân C.T.N – 55 tuổi, ở TP Bắc Ninh nhập viện trong tình trạng hôn mê, da tái, môi tím, nổi nhiều vân tím trên da, mạch, huyết áp khó đo, đồng tử giãn. Sau khi làm xét nghiệm máu nhanh tại giường, bệnh nhân được chẩn đoán bị toan chuyển hoá nặng, suy thận. Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có uống nhầm khoảng 200ml cồn thay vì rượu uống hàng ngày.

Bà T.T.B – vợ của bệnh nhân N cho biết, trước đây ông uống rất nhiều rượu, ngày uống đến 4-5 lần. Tuy nhiên, sau khi phát hiện mình mắc đái tháo đường thì ông có hạn chế hơn. Cũng do mắc đái tháo đường và phải điều trị bằng thuốc tiêm nên trong nhà lúc nào cũng có chai cồn để sát khuẩn. Không hiểu tối hôm trước ông Nghĩa say rượu hay nhầm lẫn ra sao mà lấy rượu uống lại lấy nhầm thành chai cồn đó. Đến sáng hôm sau thấy ông nói khó chịu nên gia đình mới đưa ông đi cấp cứu, không ngờ tình trạng đã nặng đến vậy.

Nhờ được lọc máu liên tục nên các chất độc trong máu của bệnh nhân này do uống rượu nhầm thành uống cồn đã được lọc từ từ, bệnh nhân đã thoát khỏi “cửa tử”

Bác sĩ Vũ Thanh Tùng – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh cho biết, trong cồn công nghiệp (70 – 90o sử dụng để sát khuẩn thông thường) có thành phần chính là Ethanol. Tuy nhiên trên thực tế thị trường hiện nay có rất nhiều loại cồn công nghiệp không có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng. Điều đáng chú ý là thành phần chính của loại cồn này không phải là Ethanol như thông thường mà lại là Methanol – hoá chất chính gây ngộ độc nặng. Ethanol hay Methanol đều có khả năng gây ngộ độc nếu sử dụng quá nhiều. Tuy nhiên, Methanol có độc tính cao hơn và khả năng gây  ngộ độc mạnh hơn. Bác sĩ Tùng cho biết thêm, với người bình thường, chỉ cần uống phải khoảng 20ml cồn/rượu có chứa Methanol là đã có thể gây ngộ độc. Riêng với trường hợp bệnh nhân này, do thói quen uống rượu, lấy nhầm cồn uống, nhưng ông uống đến 200ml nên tình trạng ngộ độc, toan chuyển hoá rất nặng.

Kĩ thuật lọc máu liên tục được BVĐK tỉnh áp dụng đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng như viêm tuỵ cấp, ngừng tuần hoàn, toan chuyển hoá nặng… Đây là bệnh nhân đầu tiên bị ngộ độc cồn nặng được cứu sống

Bệnh nhân N được chuyển vào khoa hồi sức tích cực điều trị, thở máy hỗ trợ hô hấp, bù dịch, điện giải, thăng bằng kiềm toan. Sau khi hội chẩn toàn viện, xác định bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao vì tình trạng toan chuyển hoá nặng, chất độc đã ngấm vào trong máu và ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định áp dụng phương pháp lọc máu liên tục – một trong những kĩ thuật chuyên sâu mới được BVĐK tỉnh triển khai cuối năm 2017 vừa qua. Lọc máu liên tục có ưu điểm vượt trội là có thể đào thải các chất độc trong máu không có lợi cho cơ thể, máy lọc máu liên tục dùng để điều trị thay thế thận, gan. Phương pháp này có ưu điểm hơn hẳn so với lọc máu ngắt quãng bởi được tiến hành liên tục 24h trong ngày dưới sự theo dõi sát sao, liên tục của đội ngũ y, bác sĩ, các chất cần đào thải cũng như lượng nước thừa của cơ thể được đào thải từ từ và liên tục trong cả ngày.

Vào dịp Tết Nguyên đán, BVĐK tỉnh thường xuyên tiếp nhận những trường hợp ngộ độc rượu vào điều trị. Vì vậy bệnh viện luôn phải dự trù một cơ số thuốc dành riêng cho các bệnh nhân ngộ độc rượu

Trao đổi với bác sĩ Vũ Thanh Tùng được biết, từ khi triển khai kĩ thuật lọc máu liên tục, Bệnh viện đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân nặng như viêm tuỵ cấp, ngộ độc nặng, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, toan chuyển hoá nặng…mà trước đây hầu như đều tử vong hoặc phải chuyển lên tuyến trên. Trường hợp bệnh nhân Nghĩa là trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp đầu tiên từ khi triển khai đến nay. Sau hơn 1 ngày lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân tỉnh hơn, các chỉ số xét nghiệm đã trở về bình thường, được chỉ định ngừng lọc máu và cai thở máy.

Hầu như năm nào BVĐK tỉnh cũng tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị ngộ độc rượu, đặc biệt là trong các dịp như Tết Nguyên đán, các kì nghỉ lễ hoặc hội. Người ngộ độc rượu có thể do uống quá nhiều rượu, hoặc uống phải rượu kém chất lượng, hoặc uống nhầm rượu thành cồn công nghiệp như trường hợp bệnh nhân N trên đây. Rượu có tác động rất không tốt đến cơ thể con người, thông thường nếu uống nhiều rượu, người ta sẽ bị kích thích, vật vã, nôn mửa, đau bụng. Nặng hơn nữa là hôn mê, suy hô hấp, hạ đường huyết, viêm phổi… Khi đã phải nhập viện điều trị, tuỳ theo mức độ mà người bệnh có thể phải nằm điều trị từ 3-5 ngày, thậm chí có thể lâu hơn nữa nếu nặng. Trước đây, những trường hợp ngộ độc rượu nặng gây toan chuyển hoá mà bệnh viện đã tiếp nhận điều trị đều có tiên lượng tử vong lên đến 100%. Hoặc sẽ mất thời gian chuyển lên tuyến trên và có nguy cơ đe doạ tính mạng trên đường vận chuyển, vì với những trường hợp đó, cần được chỉ định thực hiện lọc máu càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Tùng cũng cho biết thêm, các bệnh nhân ngộ độc rượu chủ yếu được tiếp nhận điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu và hồi sức tích cực. Vì tình trạng này thường xảy ra vào các dịp nghỉ Lễ Tết nên hầu như năm nào, các khoa phòng trên ngoài dự trù các loại thuốc, vật tư, hoá chất phục vụ công tác chuyên môn thì cũng đều dự trù riêng cơ số thuốc để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu.

Tết đến, Xuân sang, chén rượu, cốc bia là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, mỗi người dân khi cầm cốc bia, chén rượu lên cũng cần chú ý đến sức khoẻ, uống đồ uống có cồn cần rõ nguồn gốc, xuất sứ; uống hạn chế với lượng vừa đủ; bổ sung thêm một số đồ ăn tăng cường sức khoẻ…để tránh những trường hợp không mong muốn do rượu, bia gây ra.

Minh Cường