bn-current-user-online-portlet

Online : 4291
Total visited : 150772552

Giảm nguy cơ đồng nhiễm Lao/HIV trên địa bàn tỉnh

30/11/2021 09:15 View Count: 452

Đồng nhiễm lao/HIV không chỉ là ám ảnh với bệnh nhân mà còn là áp lực với nhân viên y tế, các cơ sở điều trị. Sự tương tác giữa lao và HIV được ví như một “vòng xoắn” khiến cuộc đời bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV trở nên ngắn lại. Nhiều năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV trên địa bàn tỉnh giảm hẳn và một nguyên nhân quan trọng mang đến hiệu quả đó do chủ động điều trị lao tiềm ẩn ở tất cả những bệnh nhân HIV.

Nhân viên y tế thử phản ứng lao cho người dân trong chương trình khám sàng lọc, phát hiện lao chủ động trong cộng đồng tại xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ.

Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh chỉ có 23 trường hợp đồng nhiễm lao/HIV, năm 2021, toàn tỉnh mới ghi nhận 1 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhiều năm về trước - khi dịch HIV/AIDS bùng phát mạnh mẽ, số bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV khá nhiều, song những năm gần đây, bệnh nhân này giảm hẳn. Về nguyên nhân khiến số bệnh nhân đồng nhiễm lao ở người nhiễm HIV giảm mạnh, bác sĩ Dũng nhận định do tất cả bệnh nhân HIV đều được điều trị lao tiềm ẩn, đối với bệnh nhân HIV được phát hiện sớm, sau khi điều trị ARV sức đề kháng phục hồi tốt, khả năng miễn dịch cao nên giảm nguy cơ mắc lao. Do đó, việc phát hiện sớm người nhiễm HIV có ý nghĩa quan trọng trong điều trị dự phòng lao.

Khi vi-rút HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV tăng lên. Vừa mắc lao, vừa nhiễm HIV sẽ khiến sức khỏe người bệnh nhanh chóng suy giảm, do đó có thể mắc thêm nhiều bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác. Theo bác sĩ Trần Thị Ánh Tuyết (Bệnh viện Phổi tỉnh), điều trị lao tiềm ẩn có ý nghĩa quan trọng nhất đối với phòng ngừa đồng nhiễm lao ở bệnh nhân HIV. Hiện nay, tất cả bệnh nhân HIV đều được điều trị lao tiềm ẩn với phác đồ điều trị 6 tháng cho trẻ em và 9 tháng cho người lớn bằng INH - một loại thuốc trong phác đồ điều trị lao. Chương trình này đã được triển khai nhiều năm, và đó là lý do vì sao số bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV trên địa bàn tỉnh những năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, công tác khám, phát hiện chẩn đoán lao sớm cho bệnh nhân HIV bằng xét nghiệm Gen-Xpert được Bệnh viện Phổi tỉnh triển khai thường niên cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động phòng, chống đồng nhiễm lao/HIV. Tại đây, có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên làm xét nghiệm Gen-Xpert, trong đó tập trung vào các nhóm chính như: Chẩn đoán lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV… Trong khi đó, tại các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ đồng nhiễm lao như: Ho kéo dài, sút cân, sốt về chiều… sẽ được lấy mẫu đờm chuyển đến Bệnh viện Phổi tỉnh đề làm xét nghiệm Gen-Xpert tìm bằng chứng vi khuẩn học nhằm chẩn đoán chính xác có mắc lao hay không.

Với nỗ lực giảm mạnh tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV, cuối tháng 8-2021, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV. Việc phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được cơ sở y tế thực hiện định kỳ nhằm hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh lao ở người nhiễm HIV và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV không mắc lao.

Về việc quản lý người mắc bệnh lao và người nhiễm HIV, bệnh nhân lao được phát hiện nhiễm HIV tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao sẽ được điều trị, quản lý, chăm sóc tại cơ sở khám chữa bệnh lao, sau khi người bệnh điều trị lao dung nạp thuốc sẽ thực hiện điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) kịp thời hoặc phối hợp, giới thiệu chuyển tuyến bệnh nhân tới cơ sở điều trị HIV/AIDS để bệnh nhân lao nhiễm HIV được điều trị ARV kịp thời. Đối với bệnh nhân HIV từ cơ sở điều trị HIV/AIDS được phát hiện mắc lao và được giới thiệu, chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao để điều trị lao, đồng thời bệnh nhân tiếp tục điều trị HIV/AIDS, sau khi điều trị lao ổn định hoặc điều trị khỏi bệnh lao, người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị lâu dài tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Thanh Thương