bn-current-user-online-portlet

Online : 3282
Total visited : 150727056

Hàng loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh

26/08/2024 13:10 View Count: 47

Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được Bộ Y tế và các cơ sở y tế rốt ráo thực hiện với kỳ vọng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ được khắc phục cơ bản trong năm 2024.

Bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh

Hàng loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh- Ảnh 1.

Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được Bộ Y tế và các cơ sở y tế rốt ráo thực hiện. Ảnh minh họa.

Chiều 5/8, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin về các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, sau dịch COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số địa phương nhưng chỉ diễn ra cục bộ, tại một số thời điểm, đơn vị chứ không phải tất cả. Lấy ví dụ khảo sát Bệnh viện TW Huế, ông Tuyên cho hay đơn vị này khẳng định không thiếu thuốc, vật tư y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, để thực hiện việc mua sắm thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế phụ thuộc vào 2 yếu tố. Trước hết là hoàn thiện thể chế (các văn bản luật, Nghị định, thông tư) liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc, vật tư y tế. Sau đó là tổ chức thực hiện ở các địa phương, đơn vị, cơ sở y tế.

"Thể chế đã có đầy đủ nhưng khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, cơ sở còn vấn đề thì không thể đủ thuốc, vật tư y tế. Lấy ví dụ như các địa phương có bố trí kinh phí không? Trong quá trình lựa chọn nhà thầu có đảm bảo đúng yêu cầu không? Lựa chọn nhà thầu như thế nào, có nhà thầu rồi thì nhà thầu đó có chịu cung ứng thuốc, vật tư hay không?", Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Nhận diện được vấn đề này, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục, cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ, đơn vị liên quan để ban hành Luật, Nghị định, Thông tư.

Theo thẩm quyền, ngay trong năm 2023, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 80, đây là Nghị quyết rất có ý nghĩa trong vấn đề cấp số đăng ký lưu hành thuốc tự động. Trên cơ sở nội dung này, Bộ sẽ tham mưu đưa vào trong dự án Luật Dược (sửa đổi) dự kiến trình thông qua vào tháng 10. Nếu làm tốt việc này sẽ cải cách hành chính trong cấp giấy đăng ký gia hạn thuốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 30 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, Bộ Y tế đã tham mưu và trình Quốc hội ban hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Luật Đấu thầu; phối hợp với Bộ Tài chính trình Luật giá. Sau khi các Luật được thi hành, Bộ Y tế tiếp tục ban hành các văn bản thi hành Luật, trong đó có Luật Khám, chữa bệnh. Bộ cũng chủ động ban thành các Thông tư dưới Luật hướng dẫn về lĩnh vực đầu thấu vật tư y tế; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, nội dung này Bộ hướng dẫn cụ thể về các bước xây dựng quy trình…

Bộ cũng đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện 2 dự án Luật hết sức quan trọng: Luật Dược (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024. Nếu Luật Dược (sửa đổi) thông qua, Bộ sẽ trình 5 chính sách, trong đó, cơ bản các chính sách đều cải cách thủ tục hành chính mạnh theo yêu cầu của Thủ tướng để làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký thuốc. Từ đó tạo điều kiện cho có các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được nhập thuốc.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, các văn bản này có nhiều điểm mới nổi bật. Thứ nhất là cho sử dụng 1 giấy báo giá hoặc cho phép lấy giấy báo giá cao nhất phù với khả năng tài chính, chuyên môn, nhu cầu của các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế (trước đây phải có 3 báo giá). Thứ hai là được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động chi thường xuyên.

Thứ ba là, đó là Luật Đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Thứ tư là cơ sở y tế được áp tuỳ chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng theo hợp đồng chưa có.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người bệnh

Hàng loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh- Ảnh 2.

Bộ Y tế đã ban hành các thông tư hướng dẫn để các cơ sở y tế yên tâm, chủ động mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Hình minh họa

Cụ thể, Bộ Y tế đã có Công văn số 4060/BYT-KH-TC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Để bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh;

Đồng thời đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của các cơ sở y tế trực thuộc các Bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi các cơ sở y tế này có nhu cầu theo đúng quy định.

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (như: xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu... ).

Tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu.

Chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Trong thời gian qua, thiếu thuốc gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, chi tiền túi mua thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có công tác đảm bảo nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng đủ, kịp thời, bao gồm cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường. Tuy nhiên, có thời điểm một số thuốc chưa kịp gia hạn đăng ký lưu hành; một số thuốc thuộc nhóm rất hiếm vẫn thiếu nguồn cục bộ.

Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan thì đã được đề cập đến nhiều, còn về các nguyên nhân chủ quan, do một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, đặt hàng với nhà cung ứng, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc chuyên khoa phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở sản xuất nước ngoài.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu mua sắm…

Bên cạnh đó, Bộ đã có các giải pháp chuẩn bị tiếp theo để tăng cung ứng thuốc. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024; Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… Đây là những tháo gỡ cần thiết để các bệnh viện thực hiện việc mua sắm, đấu thầu.

Tại thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP, trong đó có những mục cụ thể về mua sắm thuốc, vật tư y tế, nhưng nhiều bệnh viện vẫn còn e ngại chưa dám mua sắm, mà phải chờ thông tư hướng dẫn.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản 3314/BYT-KH-TC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc về việc triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Cụ thể:

Mua thêm tối đa 30% khối lượng của hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng gói thầu:

Để bảo đảm việc mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không bị gián đoạn, các cơ quan, đơn vị có thể thực hiện như sau:

Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá với số lượng tùy chọn mua thêm tối đa 30% khối lượng của hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng. Trong trường hợp này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của phần dự kiến mua thêm; việc áp dụng tùy chọn mua thêm thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp này, văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

Đối với đấu thầu mua sắm vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế:

Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT và Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với đấu thầu mua sắm thuốc:

Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Y tế để được hướng dẫn.

Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện công: 

Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Theo đó đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện mua sắm theo một hoặc các cách sau:

Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của cơ sở y tế và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định;

Tách riêng số lượng thuốc cần mua để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Khi áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu, cơ sở y tế phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp này, cơ sở y tế cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).

Đối với thuốc không thuộc trường hợp trên, cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Source: SKĐS