bn-current-user-online-portlet

Online : 3256
Total visited : 150738135

Hỏi đáp cùng Bác sĩ - Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

07/12/2022 09:26 View Count: 1020

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh rất nghiêm trọng, bệnh chuyển biến xấu nhanh chóng, để lại nhiều di chứng vĩnh viễn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và trí tuệ sau này. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể cướp đi tính mạng trẻ trong thời gian ngắn nếu không được can thiệp sớm... Vậy để hiểu rõ hơn, viêm màng não ở trẻ sơ sinh là gì? Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm màng não? Triệu chứng của viêm màng não sơ sinh? Phương pháp phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh hiệu quả?… Cùng tham khảo những thông tin khoa học, chuyên môn đến từ Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Thưa bác sĩ, bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh là gì? Và viêm màng não khác viêm não như thế nào?

Bác sĩ: Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao bọc não và tủy sống. Các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào khoang dịch não tủy, làm tổn thương hệ thần kinh, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về vận động, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và tương lai của trẻ. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với khả năng lây lan cao, dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong vẫn có thể lên đến 8 – 15%. Viêm não là tình trạng các tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào não. Hai nguyên nhân thường gặp là siêu vi gây viêm não Nhật Bản và siêu vi đường ruột HIB. Còn Viêm màng não là viêm màng mềm, các tác nhân gây bệnh tấn công vào màng mềm, khi bệnh trở nặng mới ảnh hưởng đến não.

Vậy vì sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm màng não?

Bác sĩ: Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị viêm màng não và cần sớm được tiêm chủng dự phòng sớm bởi vì: Khi chào đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nhưng đã bắt đầu tiếp xúc với môi trường hoàn toàn xa lạ từ nhiệt độ, độ ẩm, bụi, vi sinh vật… Những tác nhân này xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sơ sinh dễ mắc viêm màng não.Trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19, những người lớn trong gia đình có khả năng nhiễm bệnh cao & lây chéo cho bé. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh càng có nguy cơ cao bị biến chứng nặng. Nếu virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ trong những tháng đầu đời, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn khiến người bệnh tử vong trong 24 giờ. Hơn nữa, chi phí dành cho chủng ngừa thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế nếu chẳng may trẻ bị mắc bệnh.

Bác sĩ có thể cho biết cụ thể các nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh ?

Bác sĩ: Nguyên nhân do virus thường ít nghiêm trọng và chỉ cần điều trị hỗ trợ như viêm màng não do vi khuẩn hoặc nấm bao gồm: Enterovirus, Influenza virus, virus sởi (Polinosa morbillarum), virus quai bị,… Tuy nhiên, một số loại có thể gây tình trạng viêm màng não nặng như virus Varicella, virus herpes simplex,… Trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị viêm màng não do virus. Trẻ sơ sinh đến dưới 1 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh nặng cao hơn. Viêm màng não ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn rất nghiêm trọng, dễ diễn tiến nặng và để lại nhiều di chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi, vi khuẩn gây bệnh viêm màng não phổ biến là: não mô cầu khuẩn– chiếm tới 80%, Phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae týp b (Hib),… Đây đều là những vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho và gây bệnh cảnh nặng.

Trẻ sơ sinh bị viêm màng não do nấm: Đây là tình trạng hiếm gặp vì thường chỉ ảnh hưởng đến những người miễn dịch kém. Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân có nguy cơ bị nhiễm trùng máu từ nấm Candida trong bệnh viện sau khi sinh. Sau đó, nấm có thể di chuyển đến não và gây viêm màng não.

Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ em ?

Bác sĩ: Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm màng não ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Trẻ cần được sớm đưa đến cơ sở y tế, thực hiện các xét nghiệm ngay để tránh bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị nếu có những triệu chứng dưới đây:

- Thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở.

- Giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sơ sinh, co giật.

- Sốt, hạ thân nhiệt: Trẻ có thể bị sốt cao từ từ hoặc đột ngột, sốt có thể kèm co giật, động kinh. Trong diễn biến này, trẻ có thể mất tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

- Thóp phồng: Phụ huynh quan sát và sờ phần thóp ở đầu trẻ, cần lưu ý dấu hiệu thóp phập phồng hoặc căng phồng vì đây có thể là triệu chứng cảnh báo viêm màng não.

- Rối loạn ý thức: Trẻ dễ bị kích thích, quấy khóc, khó chịu,… hoặc nguy li bì khó đánh thức, vận động kém, không thích bế,…

- Dinh dưỡng: Trẻ bỏ bú, không chịu bú, bú kém, nôn trớ,…

- Xuất huyết: Một số trẻ sơ sinh có hiện tượng chảy máu cam hoặc xuất hiện các mảng xuất huyết dưới da,…

Dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ban đầu thường không rõ ràng và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói, chưa biết thể hiện và diễn tả cụ thể nên cha mẹ cần hết sức chú ý để nhận biết được trẻ bị viêm màng não.

Vậy Cách phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Bác sĩ: Để giúp trẻ phòng ngừa viêm màng não sơ sinh, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số lời khuyên sau:

Ngăn ngừa nguy cơ do nhiễm liên cầu nhóm B: Thai phụ cần thực hiện xét nghiệm Liên cầu nhóm B trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu các kết quả xét nghiệm khẳng định mẹ bầu nhiễm liên cầu nhóm B, mẹ bầu sẽ được dùng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ, điều này làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do liên cầu nhóm B của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn có một nguy cơ nhỏ trẻ vẫn bị viêm màng não sơ sinh do liên cầu nhóm B.

Giữ vệ sinh cho bé sạch sẽ cũng là biện pháp phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh, thường xuyên vệ sinh các vật dụng hàng ngày như đồ chơi, bình sữa, bỉm, khăn,… Đồng thời, giữa sạch sẽ môi trường xung quanh bé như phòng ngủ, sân vườn,… để tránh nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn, virus.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cần ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng để đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở uy tín. Hoặc khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ cần sớm thăm khám để kịp thời ngăn chặn các diễn biến xấu của bệnh.

Tiêm chủng phòng bệnhTrẻ cần được trang bị sức khỏe đẩy lùi các tác nhân gây viêm màng não bằng các loại vắc xin dưới đây: Vắc xin Meningococcal BC (VA-Mengoc-BC) – CuBa; Vắc xin Menactra – Mỹ; Vắc xin Synflorix – Bỉ; Vắc xin Prevenar 13 – Bỉ; Vắc xin phòng viêm màng não Hib (Haemophilus influenzae týp B): Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp); Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ); Hexaxim (Pháp)....

Trân trọng cảm ơn Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tham gia buổi phỏng vấn và giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức về bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh !./.

Nguyễn Linh