bn-current-user-online-portlet

Online : 3721
Total visited : 150743916

Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh

03/08/2022 14:36 View Count: 398

Chiều 2/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến do đồng chí Đào Hồng Lan – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì về tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế, đại diện các phòng chuyên môn của Sở và các đơn vị trong ngành y tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đến nay, dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần trở lại bình thường, việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đã đạt được một số kết quả tương đối toàn diện. Bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan trong nước. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn cơ bản được kiểm soát với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện…

Tuy nhiên công tác phòng chống dịch hiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã triển khai; những tồn tại khó khăn và đề xuất các giải pháp; Tình hình tiêm chủng phòng COVID-19, những tồn tại khó khăn và đề xuất các giải pháp; Báo cáo về triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng; Công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, đậu mùa khỉ, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng và truyền thông công tác tiêm phòng COVID-19.

Về công tác phòng chống dịch, trong 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước. Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Cục Y tế dự phòng cho biết trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5, chủng Omicron của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Do đó trong thời gian số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tính đến ngày 31/7 cả nước đã triển khai tiêm trên 246 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hơn 12 triệu liều, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 69,5%, tỷ lệ tiêm mũi 2 là 37,5%. Tỉ lệ tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 nhóm từ 18 tuổi trở lên; tiêm nhắc lại mũi 3 ở nhóm từ 12-17 tuổi chưa đạt tiến độ đề ra; tiến độ tiêm liều cơ bản cho trẻ 5-11 tuổi còn chậm.

Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác vẫn đang được ngành y tế chủ động theo dõi, bám sát tình hình và ban hành các hướng dẫn chuyên môn để khuyến cáo phòng, chống…

Về tiêm chủng vắc xin COVID-19 đến nay: Tổng số mũi tiêm chủng trên toàn quốc: 246.136.754 mũi tiêm, trong đó: Trẻ em 5-11 tuổi là 12.228.689 mũi tiêm; từ 12-17 tuổi là 20.730.405 mũi tiêm; người lớn trên 18 tuổi là 213.177.660 mũi tiêm.

Dù đã có sự nỗ lực rất lớn của ngành y, của các cấp chính quyền song tỉ lệ tiêm chủng nhắc mũi 3, mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu; tiêm nhắc mũi 3 cho người 12-17 tuổi chưa đạt; tiến độ triển khai liều tiêm cơ bản cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4/2022 đến nay còn chậm.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong. Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây. Do đó các địa phương cần tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, trong khi đó vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Thậm chí một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc có sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, ngành với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới; chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; bảo đảm thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao. Tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp truyền thông để cung cấp cho người dân những thông tin chính thống, bài bản để phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng, biến thể của COVID – 19. Đồng thời tập trung đẩy mạnh nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra.

Nguyễn Oanh - Thanh Xuân