bn-current-user-online-portlet

Online : 3152
Total visited : 150727039

Kĩ thuật cao giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân chạy thận

11/04/2023 10:04 View Count: 251

Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị suy thận cấp hoặc suy thận giai đoạn cuối. Nếu đã phải chạy thận nhân tạo do suy thận mạn, người bệnh sẽ phải phụ thuộc vào phương pháp này để duy trì sự sống cho đến hết phần đời còn lại hoặc tới khi được ghép thận. Tại Bắc Ninh, cùng với BVĐK tỉnh thì 100% các TTYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai kĩ thuật này. Nhiều kĩ thuật cao đã được các cơ sở y tế áp dụng giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân chạy thận trên địa bàn.

BVĐK tỉnh đã áp dụng phương pháp nong tái tạo sau hẹp cầu tay bằng điện quang can thiệp giúp bệnh nhân không phải tạo cầu tay mơ

Bệnh nhân Nguyễn Văn Kiên ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nhưng đã gắn bó với TTYT huyện Yên Phong suốt 6 năm nay do suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kì. Chạy thận lâu ngày, ông thường xuyên gặp phải các tác dụng phụ như mẩn ngứa, bứt rứt trong người, mỏi mệt. Từ khi Trung tâm triển khai kĩ thuật lọc máu thẩm tách siêu lọc (HDF online), không chỉ ông mà hầu hết tất cả các bệnh nhân được lọc máu bằng phương pháp này đều cảm thấy đỡ ngứa và dễ chịu hơn nhiều. Ông Kiên chia sẻ: “Bệnh nhân chạy thận như chúng tôi sống và gắn bó với máy móc, công nghệ. Máy móc công nghệ càng hiện đại thì việc điều trị càng hiệu quả. Vì vậy cũng mong muốn TTYT huyện có nhiều máy HDF online hơn để nhiều bệnh nhân được lọc máu bằng máy này hơn!”

Lọc máu chu kì lâu ngày sẽ khiến lòng mạch bị hẹp dần, thậm chí là tắc nghẽn gây u, cục và phải tạo cầu tay mới

Hiện 100% các TTYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã triển khai chạy thận phục vụ nhu cầu cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. TTYT huyện Yên Phong là đơn vị tuyến huyện đầu tiên triển khai kĩ thuật chạy thận nhân tạo từ năm 2016. Đến nay, đây cũng là đơn vị tuyến huyện duy nhất triển khai được kĩ thuật lọc máu bằng HDF online. Bác sĩ Nguyễn Lệ Hằng – Khoa Phẫu thuật gây mê – Hồi sức tích cực, TTYT huyện Yên Phong cho biết, bệnh nhân lọc máu thường sẽ hay gặp phải các biến chứng như mệt mỏi kéo dài, chán ăn, mẩn ngứa, mất ngủ, huyết áp không ổn định. Nguyên nhân là do lọc máu thường chỉ loại bỏ được các chất độc có trọng lượng phân tử thấp. Các chất độc trọng lượng phân tử cao và trung bình không được loại bỏ, lâu ngày lắng đọng và tích tụ lại gây ra các biến chứng kể trên. Phương pháp lọc máu thẩm tách siêu lọc bằng máy HDF online đã giúp giải quyết tốt những trường hợp bệnh nhân có rối loạn canxi photpho, cường tuyến cận giáp. Đặc biệt khắc phục được tình trạng ngứa trên da do chất độc bị lắng đọng lâu ngày, khắc phục những biến chứng lâu dài của bệnh nhân chạy thận như thiếu máu, tăng beta microglobulin, tăng photphat máu, cường tuyến cận giáp và hội chứng viêm xơ vữa động mạch. Vì vậy, khi kết hợp lọc thường và lọc bằng HDF online sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

TTYT huyện Yên Phong là đơn vị tuyến huyện duy nhất triển khai được kĩ thuật lọc máu bằng HDF online với những ưu điểm vượt trội

Trước khi bắt đầu lọc máu chu kì, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để tạo đường vào mạch máu (cầu tay). Hiện có 3 phương pháp là nối thông động – tĩnh mạch tự thân, nối thông động – tĩnh mạch nhân tạo, đặt catheter tĩnh mạch. Các TTYT tuyến huyện chưa triển khai được kĩ thuật này, toàn bộ bệnh nhân chạy thận sẽ được chỉ định mổ nối thông động tĩnh mạch tự thân tại BVĐK tỉnh. Việc mổ cầu tay đặc biệt khó khăn với những bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường biến chứng khiến mạch máu bị dày, xơ. Bác sĩ CKII Đỗ Bá Hiển – Trưởng khoa Thận tiết niệu – Lọc máu, BVĐK tỉnh cho biết, có những bệnh nhân suy thận phải mổ cầu tay rất nhiều lần, thậm chí lên đến hàng chục lần mới tạo được cầu tay. Thường mỗi ca mổ cầu tay diễn ra trong khoảng 1 giờ và bệnh nhân có thể ra viện trong ngày. Tuy nhiên, cầu tay sau mổ cần thời gian để phát triển đến kích thước cần thiết mới có thể sử dụng được, thường là sau 2 – 4 tháng. Những bệnh nhân trong thời gian chờ cầu tay hoàn thiện hay phải lọc máu cấp sẽ được chỉ định lọc máu tạm thời qua catheter tĩnh mạch đùi.

Lọc máu chu kì lâu ngày sẽ khiến lòng mạch bị hẹp dần, thậm chí là tắc nghẽn, bệnh nhân sẽ phải tạo cầu tay mới hoặc đặt catheter tĩnh mạch với chi phí tốn kém. Nhưng hiện nay, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã triển khai thành công phương pháp nong tái tạo sau hẹp cầu tay ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo giúp người bệnh không phải tạo cầu tay mới. Bác sĩ CKII Đỗ Bá Hiển cho biết thêm, khoa phối hợp với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp chụp mạch máu dưới hệ thống máy chụp mạch DSA đánh giá tổng thể tình trạng các mạch máu liên quan đến cầu tay, đánh giá vị trí, mức độ hẹp tắc mạch máu và đưa ra phương hướng tái tạo lòng mạch. Các bác sĩ sử dụng bóng chuyên dụng, luồn trong lòng mạch máu tới chỗ hẹp để nong rộng lòng mạch sao cho trở về kích thước như người bình thường. Trong suốt quá trình can thiệp, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể trò chuyện bình thường với bác sĩ. Người bệnh chỉ chịu một vết chọc kim rất nhỏ khoảng 2mm, không cần gây mê, sau can thiệp thời gian bình phục nhanh. Điều quan trọng là bệnh nhân hoàn toàn giữ được cầu tay cũ với chất lượng tương đương như trước khi chạy thận. Không phải làm thêm cầu tay mới nghĩa là cuộc sống của người bệnh được kéo dài thêm, bởi nếu liên tục làm các cầu tay mới sẽ làm nặng thêm các biến chứng của cầu tay, giảm chất lượng cuộc sống, mặt khác cũng không nhiều bệnh nhân có nhiều vị trí để làm cầu tay.

Với tần suất chạy thận trung bình 3 lần/tuần và mức chi phí khoảng từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm. Việc triển khai các kĩ thuật cao trong lọc máu chu kì điều trị suy thận giai đoạn cuối ngay tại tuyến tỉnh và tuyến huyện không những giúp nâng cao chất lượng điều trị, mà còn giúp người bệnh tiết kiệm chi phí và thuận lợi hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Nguyễn Linh