bn-current-user-online-portlet

Online : 3189
Total visited : 150782363

Làm gì để an toàn cho người bệnh và phẫu thuật?

04/04/2019 08:32 View Count: 218

“An toàn người bệnh nói chung và an toàn phẫu thuật là vô cùng cần thiết, quyết định chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Người bệnh chỉ có thể tin tưởng vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi được chăm sóc, điều trị an toàn, không gây nguy hại cho người bệnh. Chất lượng không xảy ra một cách tình cờ mà đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và phấn đấu thực hiện” - Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại hội thảo Triển khai một số hướng dẫn về an toàn người bệnh và đảm bảo an toàn phẫu thuật do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile) tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.

lam-gi-de-an-toan-cho-nguoi-benh-va-phau-thuat-1

An toàn phẫu thuật là vấn đề mấu chốt đảm bảo chất lượng bệnh viện (ảnh minh họa).

Mất an toàn y khoa diễn ra ở nhiều nước

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, quản lý chất lượng được xem là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được đối với các cơ sở y tế trong giai đoạn hiện nay khi những mong đợi của người bệnh - người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn.

Để đảm bảo an toàn người bệnh và an toàn phẫu thuật, trong những năm qua, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Bộ để đổi mới phương thức quản lý, phương thức đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ sở khám chữa bệnh và sự ra đời của Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng với 83 tiêu chí đến nay đã khẳng định ý nghĩa thiết thực trong việc đo lường, định hướng và góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu xây dựng và ban hành được trên 6.389 quy trình kỹ thuật mới, kỹ thuật thường quy của các chuyên ngành như ngoại khoa, nhi khoa, phẫu thuật nội soi, gây mê hồi sức... và trên 1.000 hướng dẫn chẩn đoán điều trị đã được phê duyệt và ban hành, góp phần tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn người bệnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ, trong thực tế đã có trường hợp bệnh nhân đau chân phải, bị mổ chân trái, bệnh lý phổi phải, xử lý bệnh ở phổi trái, thậm chí có trường hợp nhầm giữa bệnh nhân này sang bệnh nhân nọ... Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng có những nhầm lẫn như vậy xảy ra.

Dẫn thông tin của các nhà nghiên cứu đưa ra tỷ lệ mất an toàn trong у khoa có thể chiếm từ 6-18% số lượt điều trị nội trú và chiếm tới 10% nguyên nhân gây tử vong bệnh viện. Tại Úc chỉ tính riêng tổn thất do mất an toàn trong sử dụng thuốc đã lên tới 1,2 tỷ đô-la Úc. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, vấn đề đặt ra là làm sao giảm bớt được những sự cố này và “tất nhiên không thể đòi hỏi con số tuyệt đối là tiệm cận đến zezo vì trên thực tế không một y tế của nước nào dám khẳng định điều này”.

Cần thay đổi tư duy đối với tai biến y khoa

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, hàng ngày chúng ta thực hành y khoa liên quan trực tiếp đến an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật là vấn đề mấu chốt đảm bảo chất lượng bệnh viện. Hiện đã có 1.700 danh mục kỹ thuật và các quy trình chuyên môn với bác sĩ, điều dưỡng, phẫu thuật viên. Và để an toàn người bệnh tốt hơn chúng ta cần thay đổi tư duy đối với tai biến y khoa, từ việc phạt những người có sai sót y khoa chuyển sang dự phòng tai biến y khoa thông qua khuyến khích, động viên khen thưởng người thông báo tai biến y khoa, trừ khi các tai biến do cố tình mới xử phạt, như vậy mới cải tiến được chất lượng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nguy cơ mất an toàn trong y khoa diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ngoài ra, chúng ta đang đối mặt với thách thức nhiễm khuẩn bệnh viện - mất an toàn người bệnh. Do đó, tất cả những thách thức đó cần khắc phục để đảm bảo an toàn người bệnh. Cần cùng nhau phòng chống sự cố y khoa, chúng ta phải cảnh báo được thay đổi để an toàn hơn thông qua các hình thức khuyến khích bác sĩ, nhân viên y tế thông qua việc thông báo, cảnh báo về những sự cố y khoa, từ đó có phương pháp xử lý sự cố có văn hóa, khoa học, thông minh và minh bạch, có như vậy mới đảm bảo tốt an toàn phẫu thuật, an toàn người bệnh. “Ngoài ra, an toàn người bệnh còn là vấn để sử dụng thuốc phù hợp, cần hợp lý và hiệu quả, không chỉ kê đơn nội trú mà còn là kê đơn ngoại trú. Việc này đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi kháng kháng sinh đang gia tăng...” - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

TS. Viết Tiệp - Giám đốc BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, để nâng cao chất lượng bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện luôn khuyến khích các khoa, phòng, trung tâm và mỗi cán bộ công khai, minh bạch các sự cố y khoa. Việc công khai đó không phải để phạt, xử lý cán bộ sai sót, mà để phòng ngừa, không lặp lại. Bệnh viện sử dụng phương pháp “ma trận” để phân tích nguyên nhân, gốc rễ các sự cố, từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn, không tái phạm. Bên cạnh việc xây dựng các hướng dẫn, quy trình, phần mềm báo cáo sự cố y khoa, bệnh viện xây dựng cơ chế khuyến khích tự nguyện báo cáo khi có sự cố; không giảm thưởng khi tự nguyện báo cáo sự cố do mình gây ra...
Đăng Thăng
Source: Theo báo SKĐS