bn-current-user-online-portlet

Online : 2878
Total visited : 150734329

Liên tiếp ghi nhận các ca ho gà, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch

25/04/2024 14:20 View Count: 284

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, liên tiếp những ngày qua, Bắc Ninh ghi nhận 03 ca bệnh ho gà ở huyện Lương Tài, TP Bắc Ninh và TP Từ Sơn. Như vậy, cùng với ca mắc ho gà ghi nhận trong tháng 3 tại huyện Tiên Du, chỉ trong 2 tháng 3 và tháng 4, Bắc Ninh đã ghi nhận 4 ca mắc ho gà, đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi – độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Bệnh nhi M.Y.N sinh ngày 25/2/2024, khởi phát bệnh từ ngày 9/4 với các triệu chứng sốt nhẹ, ho, quấy khóc nhiều nên được gia đình đưa đi khám và nhập viện Sản Nhi điều trị với chẩn đoán viêm phổi. Đến ngày 15/4, bé xuất hiện các cơn ho kịch phát kèm theo thở rít, nôn sau cơn ho, điều trị không có tiến triển. Bệnh nhi được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm cho kết quả dương tính với ho gà.

Chị T.T.T.H (thôn Đăng Triều, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài) là mẹ bé Y.N cho biết, bé sinh non ở tuần thứ 34, thấy bé có biểu hiện ho, sốt nên gia đình đưa bé đến viện khám ngay. Ban đầu cũng chỉ nghĩ bé viêm phổi bình thường, nhưng điều trị không thấy đỡ, tình trạng ho ngày càng nặng, có những cơn ho kéo dài liên tục 15 – 20 tiếng ho, bé ho rũ rượi, khó thở, ho tím cả mặt. Bác sĩ nghi ngờ bị ho gà nên mới cho đi xét nghiệm. “Bản thân mới sinh lần đầu chưa có kinh nghiệm, em cũng hoàn toàn không có chút kiến thức gì về bệnh ho gà. Thấy con ho như vậy, bác sĩ cũng giải thích ho gà là bệnh nguy hiểm, con lại chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh nên gia đình rất lo lắng, hoang mang. May mắn con đáp ứng thuốc tốt, nên đến nay tình hình sức khỏe đã cơ bản ổn định” – chị T.H chia sẻ thêm.

Bắc Ninh liên tiếp ghi nhận 4 ca mắc ho gà trong 2 tháng, nguy cơ bùng phát dịch ho gà ở trẻ nhỏ

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Linh – Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa nhi, Bệnh viện Sản Nhi, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh có 4 giai đoạn, ủ bệnh – khởi phát – toàn phát – lui bệnh. Ở giai đoạn đầu, bệnh có những biểu hiện khá giống với các bệnh đường hô hấp khác như ho, sốt nên thường không được phát biện ngay. Các triệu chứng rầm rộ của ho gà hay xảy ra trong giai đoạn toàn phát. Đặc trưng của ho gà là các cơn ho dữ dội, xuất hiện khoảng 15 – 20 cơn ho/ngày. Khác với các bệnh lí khác, các cơn ho của ho gà khiến trẻ ho dữ dội, một cơn ho có thể kéo dài 15 – 20 tiếng ho liên tục, ho đến nỗi trẻ đỏ mặt, thiếu oxy gây tím tái khiến trẻ rất mệt, giữa cơn hoặc kết thúc cơn ho thường xuất hiện các tiếng thở rít đặc trưng của bệnh ho gà.

Trẻ mắc ho gà đang được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa nhi, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Trước đây ho gà là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi và tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ho gà dễ gây mất sức, nhiễm độc do vi khuẩn ho gà và bội nhiễm với các tác nhân truyền nhiễm khác. Ho gà gây tình trạng ho đờm, nôn kết hợp và kéo dài, nguy cơ dẫn đến các biến chứng như sa trực tràng, lồng ruột, thậm chí gây tử vong do tắc đường thở, mất nước hay các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội... Bác sĩ Linh cũng cho biết thêm, với bệnh ho gà, đối tượng trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bệnh nặng và biến chứng càng cao. Hiện ho gà xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 2 tháng tuổi. Với những trẻ này, việc điều trị cần đặc biệt lưu ý. Gia đình cần theo dõi sát các biểu hiện, diễn biến bất thường của trẻ từ các cơn ho, tình trạng sốt, chế độ ăn – bú để phát hiện và báo cho bác sĩ để kịp thời xử lí, tránh diễn biến xấu gây biến chứng nặng.

Vì mức độ nguy hiểm của bệnh, ho gà là một trong những bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng sớm nhất – khoảng 30 năm trước, nhờ đó tỉ lệ mắc đã được khống chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không chỉ tại Bắc Ninh mà trên địa bàn cả nước cũng ghi nhận số ca mắc ho gà tăng. Tính riêng khu vực miền Bắc đã có hơn 110 ca mắc ho gà, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội và Nghệ An. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ số mũi vắc xin phòng bệnh.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến ho gà có xu hướng quay trở lại, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, những năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc cung ứng vắc xin bị gián đoạn, số lượng trẻ được tiếp cận với tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng mở rộng bị ảnh hưởng. Một số trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch khiến khả năng phòng bệnh trong cộng đồng bị giảm. Song song với đó, thực tế hiện miễn dịch bảo vệ trước bệnh ho gà ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai có xu hướng suy giảm. Điều này dẫn đến việc truyền kháng thể thụ động từ bà mẹ sang cho trẻ, giúp bảo vệ trẻ trong vòng 2 tháng đầu đời khi trẻ chưa được tiêm vắc xin cũng suy giảm. Việc người lớn mang virus ho gà nhưng không phát bệnh, tiếp xúc với trẻ sơ sinh qua việc ôm ấp, bế ẵm, thơm trẻ và truyền bệnh khiến trẻ nhiễm virus và phát bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo khuyến cáo, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh ho gà. Vì vậy, các gia đình cần chủ động cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên đi tiêm chủng vắc xin có thành phần ho gà đầy đủ, đúng lịch. Nếu bị nhỡ mũi, cần tiêm bù ngay khi điều kiện sức khỏe cho phép. Cùng với đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ có thai nên tiêm đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin kết hợp 3 thành phần bạch hầu, ho gà và uốn ván, giúp truyền kháng thể cho con trong giai đoạn bé chưa đến lịch tiêm vắc xin ho gà.

Phương Nhiên