bn-current-user-online-portlet

Online : 3260
Total visited : 150788210

Lợi ích thiết thực của mô hình Quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế xã

15/09/2020 14:15 View Count: 378
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến hàng đầu hiện nay. Tại Bắc Ninh, tính đến tháng 8 năm 2020 số bệnh nhân ĐTĐ được quản lí là 18.518 người; 100% trạm y tế đã quản lí bệnh ĐTĐ. Đến nay, toàn tỉnh triển khai 3 mô hình điểm điều trị ĐTĐ tại 3 trạm y tế xã của 3 huyện là Quế Võ, Lương Tài, Gia Bình với tổng số hơn 30 bệnh nhân.

Sau 8 năm phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ, tháng 8 năm 2020 ông Vũ Văn Thuyết, 75 tuổi thôn Đìa, xã Bình Dương (Gia Bình) lần đầu tiên được khám và lấy thuốc điều trị ĐTĐ tại trạm y tế xã một cách rất thuận tiện. Ông Thuyết chia sẻ thêm: Trước đây, hàng tháng ông đi khám và lấy thuốc ở bệnh viện huyện cách nhà hơn 10km. Đều đặn mỗi tháng đến ngày khám, các con đều phải bố trí sắp xếp công việc đưa bố đi, lên đó bệnh nhân đông cũng phải chờ đợi. Bình thường làm các thủ tục đến khi lấy thuốc cũng phải hết cả buổi sáng. Nay được các bác sỹ chuyển về tại trạm y tế xã gần nhà nên rất phấn khởi và yên tâm. Bệnh nhân được khám, kiểm tra đường huyết và lấy thuốc theo quy trình như các lần thực hiện ở huyện. Ở đây, có nhiều thời gian hơn, được tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện. Tâm sự của ông Thuyết có lẽ cũng là nỗi lòng của hơn 30 bệnh nhân đang được điều trị ĐTĐ tại 3 mô hình điểm là trạm y tế Bình Dương (Gia Bình ); trạm y tế xã Trung Kênh (Lương Tài) và trạm y tế xã Chi Lăng (Quế Võ)…

Xét nghiệm đường máu mao mạch cho bệnh nhân ĐTĐ tại trạm y tế Bình Dương (Gia Bình).

Tại các địa phương triển khai chương trình này, trước đó cán bộ của các trạm y tế đều được tập huấn, đào tạo chuyên môn. Đặc biệt, với hình thức “cầm tay chỉ việc” được thực hiện bằng việc cử bác sỹ ở trạm y tế lên các Trung tâm Y tế để đào tạo hoặc bác sĩ tuyến huyện xuống trạm y tế hướng dẫn chuyên môn. Trong giai đoạn đầu thực hiện khám phát hiện bệnh, bệnh nhân sẽ được giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định. Song song với đó, Sở Y tế cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với công tác khám, xét nghiệm đường huyết mao mạch (test) và các dịch vụ khác phục vụ điều trị ĐTĐ tại xã. Các hoạt động chính sẽ được triển khai tại trạm y tế là phát hiện sớm người mắc bệnh ĐTĐ; xét nghiệm đường máu mao mạch cho các đối tượng có nguy cơ cao; tư vấn và lập danh sách quản lí các trường hợp mắc tiền ĐTĐ; chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định các trường hợp nghi ngờ; điều trị, quản lí ĐTĐ đối với các trường hợp được tuyến trên chuyển về; xử trí và chuyển người bệnh ĐTĐ lên tuyến trên khi vượt quá khả năng chuyên môn. Những đối tượng có chỉ số đường huyết đạt mục tiêu (4.4-7.2mmol/l, HbA1C <7%), không có bệnh lí kèm theo, không có biến chứng... sẽ được TTYT chuyển về điều trị tại trạm y tế. Định kì 3 tháng/lần, người bệnh được chuyển lên TTYT thực hiện xét nghiệm sinh hóa, đánh giá hiệu quả điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Kênh, huyện Lương Tài cho biết: Hiện nay, trạm y tế thực hiện quản lý 470 bệnh nhân tăng huyết áp, điều trị 336 bệnh nhân tăng huyết áp và từ tháng 6/2020 mới tiếp nhận điều trị 28 bệnh nhân ĐTĐ trong số 212 đối tượng quản lý. Đa số bệnh nhân ĐTĐ là người cao tuổi, có bệnh nền nên ngoài việc khám điều trị theo phác đồ, chúng tôi chú ý đến nội dung truyền thông, tư vấn cho các cụ chế độ ăn uống, luyện tập với từng người. Để nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị bệnh, chúng tôi thường xuyên rà soát lại danh sách những bệnh nhân đang điều trị bệnh và tổ chức khám sàng lọc để phát hiện kịp thời những bệnh nhân mới mắc bệnh để lên phương án hỗ trợ điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Phát huy hiệu quả mô hình điều trị và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp trước đó, công tác quản lý và điều trị bệnh ĐTĐ tại trạm y tế bước đầu triển khai hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là việc giảm tải cho tuyến trên; giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, không phải tốn kém chi phí đi lại được theo dõi thường xuyên. Thời gian tới, ngành y tế sẽ đánh giá mô hình và cho triển khai nhân rộng, đồng thời từng bước chuyển bệnh nhân tăng huyết áp, ĐTĐ từ các Trung tâm y tế về trạm quản lý theo mô hình này. Phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ triển khai mô hình tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh.

Phương Nhiên