bn-current-user-online-portlet

Online : 2272
Total visited : 150726509

Một trẻ 12 tuổi mắc bệnh Whitmore

04/03/2024 07:54 View Count: 276

Sáng 29-2, nhận được báo cáo về ca bệnh Whitmore từ Bệnh viện Nhi T.Ư thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Thuận Thành tiến hành điều tra, xác minh thông tin liên quan.

Theo đó, bệnh nhân là nam giới, sinh năm 2012 ở phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành. Khoảng ngày 19-1, bệnh nhân xuất hiện khối sưng to, nề, đỏ đau vùng đùi trái kèm theo sốt, ở nhà dùng thuốc không đỡ. Bệnh nhân vào Trung tâm Y tế thị xã Thuận Thành ngày 29-1, được chẩn đoán áp-xe đùi trái/ sốt không rõ nguyên nhân, điều trị bằng kháng sinh, giảm đau và trích rạch áp-xe.  Tuy nhiên sau 2 tuần điều trị, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân vẫn sốt và hạch bẹn trái sưng to. Ngày 8-2, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán áp-xe đùi trái và được mổ trích rạch áp-xe, điều trị kháng sinh, giảm đau nhưng vẫn còn sốt cao, đau đầu và xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Ngày 17-2, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/áp-xe hố chậu trái, chỉ định mổ dẫn lưu ổ áp-xe ngày 22-2, lấy dịch ổ áp xe làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn ra trực khuẩn Gram âm Burkholderia Pseudomallei. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân ổn định.

Được biết, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch; được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Về tiền sử dịch tễ, 9 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng khởi phát (ngày 10-1), bệnh nhân có tham gia chương trình ngoại khóa tại một số địa điểm trong tỉnh. Trong đó, tại một địa điểm, bệnh nhân có bị ngã, gây ra vết thương ở vùng kẽ ngón chân trái. Cũng trong quá trình dã ngoại tại địa điểm này, bệnh nhân đi chân đất, không mang giày dép, trời mưa phùn. Đến cuối ngày, bệnh nhân về nhà được mẹ mua thuốc, cồn về tự rửa vết thương. Tại gia đình, bệnh nhân không chơi đùa, làm việc tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, xung quanh khu vực bệnh nhân ở và những trường hợp cùng tham gia ngoại khoá không có ai biểu hiện hoặc mắc bệnh tương tự.

Qua giám sát ca bệnh, giám sát những người xung quanh bệnh nhân, hiện cơ quan chuyên môn chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh giống bệnh nhân. Ngành Y tế cử cán bộ theo dõi sát tình trạng sức khỏe của các thành viên có tham gia dã ngoại cùng bệnh nhân; khử khuẩn bằng Cloramin B 25% tại nhà bệnh nhân, khu vực điều trị bệnh nhân và các khu vực liên quan…

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương, đã có trường hợp tử vong do bệnh này.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng; không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm; nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh. Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Source: BBN