bn-current-user-online-portlet

Online : 3485
Total visited : 150782525

Nhìn lại 25 năm chương trình Dân số và Phát triển: Thực trạng và thách thức ở Việt Nam

11/07/2019 15:32 View Count: 227

Tại Hội nghị Dân số quốc tế ICPD 1994, cố GS Mai Kỷ - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ Việt Nam là Trưởng đoàn tham dự Hội nghị, GS Mai Kỷ đã trình bày bài tham luận về Chính sách DS-KHHGĐ ở Việt Nam đã được đánh giá cao. Điều này khẳng định tính đúng đắn của Việt Nam khi chọn trọng tâm ưu tiên trong thời gian này là mục tiêu giảm sinh (mục tiêu giảm tỷ lệ gia tăng dân số xuống 1,7%, mà trong 3 kỳ đại hội trước chưa thực hiện được). Điều này cũng được khẳng định qua sự kiện Chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam được trao giải thưởng quốc tế vào năm 1999.


Sự kiện kêu gọi chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh do UNFPA cùng ngành dân số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: chí cường

Sự kiện kêu gọi chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh do UNFPA cùng ngành dân số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Định hướng chung của thế giới là “Dân số và Phát triển bền vững”

Năm 1994, Hội nghị Dân số quốc tế (ICPD) được tổ chức tại Cai ro - Ai Cập đã chính thức đưa ra chủ đề “Dân số và Phát triển bền vững” trong bối cảnh nhiều quốc gia đã thực hiện tốt KHHGĐ và đạt mức sinh thay thế.

Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển hướng giải quyết toàn diện mối quan hệ giữa Dân số và Phát triển bền vững ở các quốc gia. Các nội dung triển khai được khuyến nghị tập trung vào những vấn đề: Các chiều hướng tác động giữa gia tăng dân số và phát triển kinh tế; gia tăng dân số và cung ứng lương thực thực phẩm; gia tăng dân số và lao động việc làm; dân số và đói nghèo; dân số và môi trường; công bằng, bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ; dân số và sức khoẻ, quyền sinh sản, SKSS/KHHGĐ; dân số và giáo dục; dân số và di dân, đô thị hoá.

Từ Hội nghị ICPD (1994) đến nay, các kỳ Hội nghị ICPD+10 và ICPD+20 vẫn giữ định hướng chung là “Dân số và Phát triển bền vững” nhưng có cập nhật một số vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh, tình hình mới.

Năm 2019 sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 của Hội nghị mang tính đột phá quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Hội nghị lần thứ 25 được tổ chức bởi UNECE và UNFPA, Hội nghị sẽ tập trung vào các hoạt động chính để thực hiện và giải quyết các mối quan tâm chính sách rộng hơn liên quan đến: Biến động dân số và phát triển bền vững; Gia đình, sức khỏe tình dục và sinh sản trong suốt cuộc đời; Bất bình đẳng, hòa nhập và quyền xã hội.

Hội nghị cũng sẽ tăng cường liên kết giữa ICPD và Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, tăng cường hội nhập của biến động dân số vào quy hoạch phát triển và tái khẳng định cam kết thực hiện Chương trình hành động ICPD trong khu vực UNECE. Theo định hướng chung, các quốc gia sẽ tiến hành nghiên cứu dân số phục vụ cho những vấn đề ưu tiên nổi cộm của nước mình.

Thành công quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về dân số

Ở Việt Nam, cùng thời gian với ICPD 1994, Đảng và Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và thực thi chính sách DS-KHHGĐ đã tạo động lực cho việc thực hiện lĩnh vực quan trọng này.

Điều 40, Hiến pháp 1992 chỉ rõ: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình DS-KHHGĐ”. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 về chính sách DS-KHHGĐ. Nghị quyết đã xác định vị trí rất cao của công tác DS-KHHGĐ: “Là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.

Thành công giảm sinh ở Việt Nam thể hiện qua tổng tỷ suất sinh (TFR - “mức sinh thay thế” là mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình có vừa đủ số con gái để “thay thế” họ trong quá trình tái sinh sản dân số) từ 3,8 con năm 1990 giảm xuống đạt mức sinh thay thế vào năm 2005-2006. TFR có xu hướng giảm và đã ở dưới mức sinh thay thế vào năm 2006. TFR giảm mạnh, ở dưới mức sinh thay thế được coi là thành công quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên của Chiến lược DS-KHHGĐ năm 2001-2010 và cũng đạt sớm trước 10 năm so với mục tiêu đạt mức sinh thay thế vào 2015 đề ra trong Nghi quyết Trung ương 4 về Chính sách DS-KHHGĐ.

Đến năm 2017, TFR của Việt Nam thấp hơn so với TFR trung bình của các nước Đông Nam Á (TFR của khu vực này là 2,3 con/phụ nữ). TFR của Việt Nam chỉ cao hơn bốn nước trong khu vực là Bru-nây (1,9 con/phụ nữ), Ma-lai-xia (2,0 con/phụ nữ), Xin-ga-po (1,2 con/phụ nữ) và Thái Lan (1,5 con/phụ nữ), trong khi lại thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, Việt Nam đã đạt và ổn định mức sinh thay thế được gần 15 năm, mặc dù vậy trong thời gian qua chương trình dân số Việt Nam, hầu như “bị động” với những vấn đề mới phát sinh và chưa có những chuyển hướng kịp thời khi bước vào quá trình chuyển đổi nhân khẩu học (Mất cân bằng giới tính vào năm 2007; cơ cấu dân số vàng vào năm 2007; chính thức bước vào già hóa dân vào năm 2011; mức sinh khác biệt giữa các vùng/tỉnh/thành phố...).

Đến năm 2014, Hội nghị định hướng chính sách Dân số và Phát triển đầu tiên được tổ chức ngày 16 tháng 8 năm 2014 tại Hà Nội với sự chủ trì của Ban tuyên giáo Trung ương và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Hội nghị đã nhấn mạnh: "Để giải quyết những khó khăn, thách thức về chương trình dân số, cần thiết phải có sự điều chỉnh các chính sách dân số trong thời gian tới cho phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2015, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” và sau đó sẽ đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo với những quan điểm, chủ trương và định hướng chính sách phù hợp về công tác dân số trong thời gian tới, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Bước chuyển mạnh mẽ - vận hội mới cho công tác dân số

Cuối năm 2017, Hội nghị BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, BCH TW khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết 21 là bước chuyển hướng cơ bản sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thức 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ.

Nghị quyết đã xác định quan điểm: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bổ, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết cũng đã xác định các vấn đề trọng tâm ưu tiên của công tác dân số trong tình hình mới cụ thể trong mục tiêu chung: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về qui mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và dặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước bền vững”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII Về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017). Theo đó, Chính phủ đã xác định đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để các Bộ, ngành địa phương có căn cứ thực hiện, nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong các nhiệm vụ Chính phủ giao các Bộ, ngành chủ trì xây dựng và thực hiện kèm theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017, gồm có danh mục 42 nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao cho các Bộ, ngành thực hiện, trong đó có một số Đề án khi triển khai thực hiện cần có sự phối hợp, lồng ghép đồng bộ để huy động và sử dụng hợp lý, có trọng tâm các nguồn lực của nhà nước từ đó đạt được mục tiêu tổng thể đề ra trong Nghị quyết Chính phủ.

Để Nghị quyết 21 sớm đi vào thực tế như đã thực hiện Nghị quyết 4, trong thời gian tới chung ta cần quyết liệt hành động, vì dù sao trong thực hiện chương trình Dân số và Phát triển, chúng ta cũng đã chậm hơn xu thế chung khoảng 20 năm. Điều đáng mừng là với Nghị quyết 21 đã ban hành đây là vận hội mới góp phần phát triển bền vững đất nước mà chúng ta không thế bỏ qua.

Đăng Thăng
Source: Báo Gia đình