bn-current-user-online-portlet

Online : 3908
Total visited : 150769400

Phát huy kinh nghiệm theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TTYT huyện Tiên Du

09/11/2021 08:09 View Count: 878

Trong giai đoạn trước của đợt dịch COVID-19 thứ 4, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, số lượng bệnh nhân nhập viện ồ ạt, Trung tâm Y tế huyện Tiên Du chuyển công năng thành bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu điều trị, giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những kinh nghiệm quý có được trước đây đã giúp Trung tâm tiếp tục phát huy trong tình hình hiện nay.

Trung tâm Y tế huyện Tiên Du vẫn tiếp nhận và điều trị bệnh nhân thông thường, chỉ chuyển công năng 1 phần, bệnh nhân mắc COVID được điều trị tại Khoa Điều trị bệnh nhân dương tính với tối đa 100 giường. Bác sĩ CKII Nguyễn Diệu Hường, Trưởng khoa thông tin: Khoa Điều trị bệnh nhân dương tính bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng từ ngày 31-10 với 43 bệnh nhân đầu tiên, trong đó 28 bệnh nhân được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn lại là bệnh nhân mới. Hiện nay, tại đây đang điều trị cho gần 100 trường hợp F0 và 2 trường hợp F1 có triệu chứng. Những bệnh nhân này chủ yếu sinh sống, lưu trú tại thành phố Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh và một số bệnh nhân có thai của huyện Quế Võ.

Theo bác sĩ Hường, phần lớn các bệnh nhân đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên hầu hết có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Đối với những bệnh nhân không triệu chứng được tăng đề kháng bằng thuốc bổ, bổ sung oresol và hướng dẫn chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý, còn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ thì triệu chứng cụ thể như: Sốt, ho, đau đầu… sẽ được tư vấn và điều trị theo phác đồ. “Công tác điều trị giai đoạn này khác với giai đoạn trước - khi chúng tôi có nhiều bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Từ chỗ chưa biết theo dõi bệnh nhân như thế nào là đủ và bắt đầu từ đâu, chúng tôi đã có kinh nghiệm từ thực tiễn điều trị. Mới đây, ở Quyết định 4689/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị (cập nhật lần thứ 7), Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về chuyên môn nên công tác theo dõi, điều trị đợt này càng có nhiều thuận lợi. Dù tiếp nhận toàn bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng, song chúng tôi không lơ là, ngược lại rất sát sao trong theo dõi sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là trong giai đoạn 5-7 ngày kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng khởi phát, bởi đây là khoảng thời gian bệnh nhân rất dễ chuyển nặng” - bác sĩ Hường chia sẻ.

Huyện Tiên Du có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao của tỉnh, song công tác tiêm phòng vẫn đang được chú trọng.

Để kịp thời nắm bắt diễn biến sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời có thể tư vấn, giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân mắc COVID-19, ngoài việc thăm khám hằng ngày, Khoa lập nhóm Zalo với sự tham gia của bệnh nhân và y bác sĩ điều trị để tiện thông báo, hướng dẫn. Mỗi phòng bệnh đều được trang bị 1 máy đo SpO2 cầm tay (một loại thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) và các bệnh nhân nhẹ/không triệu chứng được hướng dẫn cách tự đo để thường xuyên theo dõi sức khỏe.

Bác sỹ Nguyễn Văn Đưởng: Để điều trị tốt và hiệu quả cho bệnh nhân mắc Covid-19, các thầy thuốc cần phải có kiến thức, kỹ năng thái độ tốt, tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế và kinh nghiệm của các đồng nghiệp đã từng điều trị bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó, kíp điều trị phải đoàn kết, tuân thủ tuyệt đối việc kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc kết nối hội chẩn, tham khảo qua công nghệ thông tin với các chuyên gia là biện pháp cần thiết, hiệu quả, giúp cho chiến lược điều trị hiệu quả cao. Song song với việc điều trị bằng thuốc, hỗ trợ y tế, dinh dưỡng, vấn đề tâm lý với bệnh nhân là điều rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân nhanh bình phục. Việc phối hợp giữa nhân viên y tế với nhau và giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, phối hợp giữa Tây y và Đông y, theo dõi sát diễn biến bệnh 24/24 để giải quyết sớm các triệu trứng cho bệnh nhân Covid-19, sẽ giúp cho bệnh nhân không bị tăng nặng và giảm nguy cơ tử vong ....

Mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và chưa có trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 từ trong khu điều trị song công tác bảo đảm an toàn, phòng lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 được Trung tâm Y tế huyện Tiên Du rất chú trọng. Ngoài việc cung cấp đầy đủ bảo hộ cho nhân viên y tế tham gia điều trị, bộ phận Kiểm soát nhiễm khuẩn của đơn vị kiểm tra thường xuyên và trước đó được tập huấn lại kiến thức, kỹ năng phòng hộ.

Bác sỹ Nguyễn Diệu Hường: Bệnh nhân Covid - 19 cần phải phối hợp và tuân thủ các y lệnh của thầy thuốc, luôn giữ tinh thần lạc quan để tăng sức đề kháng. Đồng thời, dinh dưỡng tốt với các bệnh nhân sẽ giúp cơ thể nhanh tiêu diệt virus. Sau khi khỏi bệnh, cần có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không uống rượu, bia, hút thuốc lá, các chất kích thích, ngủ đủ giấc và đúng giờ. Việc vận động thể lực cần phù hợp, vệ sinh mũi họng thường xuyên và đặc biệt là thực hiện tốt Thông điệp 5k theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo kế hoạch của UBND huyện Tiên Du về việc đáp ứng tình huống điều trị 1.000 ca mắc, Trung tâm Y tế sẽ chuyển công năng thành Bệnh viện dã chiến để đáp ứng yêu cầu thu dung, chăm sóc, theo dõi và điều trị từ 300-500 trường hợp mắc COVID-19 mức độ không có triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ vừa (viêm phổi) tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Trước mắt, trong tình hình mới của dịch bệnh, đơn vị đang được Sở Y tế giao tiếp nhận theo dõi, điều trị 100 giường bệnh COVID-19.

Chuyển hướng chiến lược từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, đồng nghĩa với việc khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Tiên Du có thể sẽ thường xuyên có bệnh nhân dương tính. Vì vậy, đơn vị luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Đưởng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trải qua thời gian chống dịch cao điểm vừa qua, lại có gần 2 tháng trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 theo công năng của Bệnh viện dã chiến, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm được đào tạo, rèn luyện và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hiện tại, đơn vị thực hiện song song công tác khám, chữa bệnh và hoạt động phòng, chống dịch, trong đó việc khám sàng lọc chú trọng vào đối tượng đi từ vùng dịch hoặc có các triệu chứng ho, sốt, khó thở để khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ liên quan, xét nghiệm test nhanh COVID-19. Tại đơn vị, công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh điều trị nội trú, người nhà đi chăm sóc và cán bộ, nhân viên y tế được duy trì hàng tuần; công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tiếp tục được triển khai tích cực nhằm sớm bao phủ, tạo miễn dịch cộng đồng.

Phương Học