bn-current-user-online-portlet

Online : 4171
Total visited : 150772283

Phòng chống bệnh lao - Cơ hội và thách thức

26/01/2021 10:01 View Count: 287

Trong những năm qua, công tác phòng chống Lao tại Bắc Ninh được triển khai đồng bộ, trong đó cỏ sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân theo mô hình phát hiện và chuyển đối tượng nghi lao tới các cơ sở chống lao khám xác định. Tuy nhiên công tác này đang gặp phải nhiều thách thức nếu như không có sự chủ động nguồn lực và sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.

Những năm vừa qua hoạt động chống lao tại Bắc Ninh đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm và triển khai theo đúng quy định của Chương trình chống lao Quốc gia về phát hiện nguồn lây, quản lý điều trị bệnh nhân lao. Mỗi năm toàn tỉnh phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao, trong đó có khoảng 350 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học. Toàn bộ bệnh nhân lao phát hiện đều đ­ược đưa vào điều trị trong Chương trình Chống lao Quốc gia với tỷ lệ khỏi bệnh cao trên 90%; do đó tỷ lệ mắc lao đã có xu hướng giảm.

Năm 2019, chương trình chống lao Bắc Ninh thực hiện khám phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân tại 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du. Số bệnh nhân thu nhận năm 2019 là 725 bệnh nhân (tăng 111% so với năm 2018). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng bệnh nhân lao thu nhận trong 6 tháng đầu năm giảm, đồng thời các hoạt động nhằm tăng cường phát hiện và quản lý bệnh nhân lao trong cộng đồng bị ảnh hưởng, hầu hết các hoạt động được chuyển sang 6 tháng cuối năm. 3 huyện được triển khai khám phát hiện chủ động lao cho đối tượng nguy cơ cao là Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành; tổng số bệnh nhân thu nhận được là 71. Phát hiện bệnh nhân lao chủ yếu bằng phương pháp thụ động kết hợp với phương pháp chủ động, tập trung phát hiện nguồn lây chính bệnh nhân lao phổi AFB (+), nâng cao chất lượng chẩn đoán lao phổi AFB (-), lao ngoài phổi, lao trẻ em, lao kháng đa thuốc, lao tái phát... Thống kê trong năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 704 bệnh nhân lao, trong đó 3 trường hợp lao trẻ em, 6 trường hợp lao/HIV và 31 trường hợp lao kháng thuốc.

Hoạt động kiểm tra, giám sát lồng ghép hỗ trợ, hướng dẫn tuyến dưới được chú trọng, đặc biệt là giám sát quản lí bệnh nhân lao kháng thuốc. Duy trì và hoạt động có hiệu quả mạng lưới chống lao toàn trong toàn tỉnh. Các xã, phường đều có cán bộ phụ trách công tác chống lao thực hiện phát hiện người nghi lao đến khám gửi lên huyện, chẩn đoán, quản lý và điều trị bệnh nhân lao. Đẩy mạnh hoạt động phát hiện bệnh nhân nghi lao tại xã, phường; nhất là trẻ em tiếp xúc với nguồn lây.

Hoạt động phòng, chống lao cũng được lồng ghép trong các hoạt động y tế chung. Bệnh viện Phổi phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện đa khoa tỉnh, các phòng khám ngoại trú để tuyên truyền và làm xét nghiệm HIV cho bệnh nhân Lao, khám sàng lọc lao cho người bệnh HIV, 100% trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao. Hệ thống y tế tư nhân đã được khuyến khích tham gia vào hoạt động phòng, chống lao thông qua việc phối hợp với các Bệnh viện đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện chuyên ngành, phòng Y tế một số công ty lớn đóng trên địa bàn, và phòng khám đa khoa tư nhân trong công tác phát hiện và quản lý điều trị bệnh lao theo mô hình 1: Phát hiện và chuyển đối tượng nghi lao tới các cơ sở chống lao khám xác định. Trên cơ sở đó, thời gian tới sẽ từng bước chuyển từ mô hình 1 sang mô hình 2: xét nghiệm chẩn đoán. Trong năm 2020, chương trình đã kết hợp với Phòng khám đa Khoa Hữu Phúc thực hiện khám phát hiện chủ động bệnh lao cho 1.500 công nhân trên địa bàn tỉnh bằng xét nghiệm X-quang và Xpert.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng, hoạt động phòng chống lao ở tỉnh Bắc Ninh còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là dịch tễ lao vẫn còn cao, số ca bệnh lao đa kháng thuốc có xu hướng tăng, số người nhiễm HIV mắc bệnh lao tuy đã giảm dần nhưng diễn biến phức tạp hơn, trong khi đó nguồn lực đầu tư có xu hướng giảm đi rõ rệt do các nguồn viện trợ của các tổ chức Quốc tế ngày càng thu hẹp, nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ nguồn nội lực trong những năm tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến thành quả chống lao đã đạt được trong những thập kỷ vừa qua đồng nghĩa với bệnh lao sẽ bùng phát trở lại. Do đó, cần phải có kế hoạch huy động nguồn lực địa phương kết hợp với nguồn lực từ Trung ương cho hoạt động chống lao. Mặt khác, trong năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 cũng làm ảnh hưởng đến công tác phát hiện, quản lí, điều trị bệnh nhân lao. Tình hình bệnh lao, lao kháng đa thuốc diễn biến phức tạp, bệnh lao mắc kèm nhiều bệnh đồng mắc. Nhận thức về bệnh lao còn hạn chế ở một số bộ phận nhân dân. Một số bệnh nhân lao bỏ trị vì khi uống thuốc lao bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, không lao động được, mất nguồn thu duy trì cuộc sống bản thân và gia đình…

Thời gian tới, để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, bệnh viện Phổi với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hoạt động phòng chống lao sẽ tham mưu tiếp tục củng cố hệ thống phòng chống lao từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống bệnh lao, tránh mặc cảm kì thị với bệnh nhân lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Song song với đó, công tác chuyên môn cũng trọng tâm vào tăng cường phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao; áp dụng các kĩ thuật mới trong khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; triển khai ứng dụng mô hình phòng, chống lao qua hệ thống y tế công lập và ngoài công lập; lồng ghép các hoạt động phòng, chống lao với phòng chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.

Những khó khăn, thách thức của công tác phòng chống bệnh lao hiện nay nước ta là đang phải đối mặt với nhiều vấn đề có liên quan sau đây: Tình trạng bỏ trị trong quá trình điều trị của bệnh nhân lao đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng đã gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng. Thực trạng bệnh lao đa kháng thuốc xảy ra chủ yếu được xác định do người bệnh điều trị không đúng quy định, không dùng đủ liều lượng thuốc và không tuân thủ chỉ định của bác sĩ; đồng thời nhân viên y tế không sắp xếp đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh nên hiện tượng bệnh lao đa kháng thuốc là một cuộc chiến với nhiều thách thức. Tình hình dịch tễ của bệnh lao trong cộng đồng còn cao và diễn biến khá phức tạp. Hiện nay vẫn có khoảng 16.000 người tử vong vì bệnh lao mỗi năm. Việt Nam là nước được xếp hạng đứng thứ 14/30 quốc gia có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc điều trị cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê ghi nhận tại nước ta mỗi năm có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc bệnh lao mới, trong đó có khoảng 7.000 bệnh nhân mắc lao đồng nhiễm HIV và hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc; đáng lo ngại nhất là có gần 6% bệnh nhân có tình trạng lao siêu kháng thuốc. Thực tế số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi chiếm hơn 1/2 các trường hợp bị nhiễm lao. Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ có khoảng 79% số người mắc bệnh được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý; 21% các trường hợp còn lại vẫn tồn tại ẩn chứa mầm bệnh trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây. Bệnh lao đã tồn tại hàng ngàn năm ở cộng đồng mãi cho đến ngày hôm nay mặc dù vi khuẩn gây nên bệnh lao đã được biết đến từ 134 năm trước. Thực tế bệnh lao vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trước hết phải nói đến những bệnh nhân nhiễm lao mắc thêm bệnh nhiễm trùng cơ hội, điển hình là các trường hợp nhiễm HIV. Y học đã xem tình trạng nhiễm HIV khá phổ biến hiện nay và bệnh lao như cặp bài trùng vì nhiễm HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn lao sẽ nhân cơ hội này bùng phát, diễn biến nặng nề hơn và đặt ra nhiều vấn đề trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống bệnh lao trong cộng đồng còn nhiều hạn chế. Đồng thời xã hội còn kỳ thị với bênh nhân lao nên dẫn đến tình trạng người bị mắc bệnh thường hay giấu bệnh, phần lớn bệnh nhân lao đều là người nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin và truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống bệnh một cách tích cực để hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng.

Nguyễn Oanh