bn-current-user-online-portlet

Online : 3738
Total visited : 151108477

Phòng, chống các bệnh do lạm dụng muối ăn

20/06/2018 07:39 View Count: 78

Muối là một loại gia vị quen thuộc, trong đó Natri là một trong hai nguyên tố chính cấu thành nên muối. Trong cơ thể người, Natri đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân không nên ăn nhiều muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác

Theo Ths Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), trong cơ thể người, Natri đóng vai trò quan trọng nhằm điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, cân bằng a-xít ba-zơ dẫn truyền tín hiệu thần kinh - cơ, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào. Mặc dù muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể, nhưng nếu ăn nhiều muối lại gây tác hại cho sức khỏe con người như: Muối là nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác; ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương và ung thư tiêu hóa, nhất là ung thư dạ dày. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 g muối/ngày, để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy: Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ khoảng 9,4 g muối/ngày (nam giới: 10,5 g; nữ giới: 8,3 g), nghĩa là cao gần gấp đôi khuyến cáo. Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, có đến 89,2% số người Việt nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị chế biến; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác vào thức ăn trong khi ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như: dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang, hạt điều mặn, pho-mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, giò, chả...).

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) TS Trương Đình Bắc cho biết: Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Kết quả điều tra cho thấy, cứ năm người trưởng thành ở Việt Nam thì có một người bị tăng huyết áp; cứ ba trường hợp tử vong thì một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc huyết áp và các trường hợp tử vong do tim mạch có liên quan đến ăn nhiều muối. Đáng lo ngại, khác với các quốc gia phát triển, muối ăn hằng ngày chủ yếu là từ thực phẩm chế biến sẵn, hoặc do ăn ở nhà hàng (chiếm 77%). Trong khi đó, ở Việt Nam hầu hết lượng muối ăn hằng ngày từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn, hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn.


Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025, đã đề ra chỉ tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày ở người trưởng thành so với năm 2015. Bộ Y tế cũng đang xây dựng và ban hành Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác đến năm 2025, với các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu có hơn 90% số người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các loại thực phẩm có nhiều muối và biết các biện pháp để giảm ăn muối; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7g/người/ngày vào năm 2025; có hơn 90% số người được phát hiện tăng huyết áp, bệnh tim mạch được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ giảm ăn muối. 

Nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngành y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về can thiệp giảm lượng muối ăn của người dân để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm phù hợp với các nhóm đối tượng. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ năng lực và thực hiện tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn giảm muối trong quản lý, điều trị cho người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường và các bệnh liên quan khác. Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc vận động người dân giảm ăn muối, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bằng các hoạt động thiết thực như: Thực hiện việc dán nhãn đối với các loại thực phẩm bao gói sẵn, để công bố hàm lượng muối; chỉ báo thực phẩm có nhiều muối và cảnh báo sức khỏe của việc ăn nhiều muối. Ngoài ra, người dân cần thực hiện việc giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn. Hạn chế lượng muối, gia vị, nước mắm đặt trên bàn ăn trong khi ăn; hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều muối, nên thay bằng các loại thực phẩm tự nhiên để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Minh Hùng (st)
Source: Báo nhân dân