bn-current-user-online-portlet

Online : 2639
Total visited : 150722942

Tâm huyết với truyền thông dân số

14/07/2023 14:59 View Count: 170

Truyền thông luôn có vai trò quan trọng với công tác Dân số. Trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung và hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, công tác truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển đổi hành vi. Lực lượng nòng cốt làm công tác truyền thông trực tiếp là mạng lưới cộng tác viên Dân số - Y tế và đội ngũ cán bộ chuyên trách Dân số.

Cán bộ chuyên trách Dân số Nguyễn Thị Chuyên (ngoài cùng bên phải) và cộng tác viên Nguyễn Thị Lâm vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.

Bà Dương Thị Tuyến, cộng tác viên Dân số - Y tế thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du không nhớ chính xác mình bắt đầu làm cộng tác viên Dân số từ khi nào, bà chỉ nhớ rằng, ngay năm đầu tiên thành lập Ủy ban dân số - KHHGĐ đã bắt đầu tham gia. Khi đó, làm cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn, một năm bà được hỗ trợ 2 lần, mỗi lần 6 kg thóc vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Sau này, mức hỗ trợ dần tăng lên các mức 20 kg, 30 kg, rồi 60 kg thóc mỗi vụ. “Nếu chỉ vì mức hỗ trợ này, chắc không ai gắn bó với công tác Dân số được lâu như vậy đâu” - bà Tuyến chia sẻ.

Vốn yêu thích ngành Y, nhưng lại có duyên gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, bà Tuyến đã mang những kiến thức trong thời gian một năm học Sơ cấp Y tế vào các hoạt động cộng đồng. Bà Tuyến nhớ lại “Khoảng năm 1990, khi dịch quai bị bùng phát, người trong làng mắc nhiều lắm, cứ đi dạy học về là tôi lại mang đồ nghề đi tiêm cho người dân trong làng. Sau đó, tôi cũng bị lây vì thời đó làm gì có trang bị phòng hộ nào”.

“Hoài Trung là thôn có số dân đông, khi tôi mới làm cộng tác viên Dân số, cả thôn có khoảng 1,4 nghìn nhân khẩu, hiện nay, quy mô dân số của thôn xấp xỉ khoảng 2 nghìn nhân khẩu. Trải qua các giai đoạn khác nhau, từ Dân số - KHHGĐ rồi đến Dân số và phát triển, công tác truyền thông có nhiều đổi khác” - bà Tuyến cho biết.

Tận dụng mọi cơ hội để truyền thông Dân số, bà Tuyến kể ngày còn làm giáo viên mầm non, nhiều người dân chưa hiểu về các biện pháp tránh thai, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nên tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi phụ huynh đưa con đi học mẫu giáo hay lúc đến đón, bà vừa nhận, trả trẻ, vừa vận động. “Bây giờ, có hôm đến giờ đi ngủ, lại có người gọi “Cô ơi, cho cháu vỉ thuốc tránh thai”, biết hoàn cảnh gia đình, tôi lại tranh thủ vận động “Đừng sinh con thứ 3 để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất nhé!”. Hay có bạn dùng thuốc tránh thai lại nói “Cháu hay quên lắm”, tôi bảo “Cô sẽ gọi nhắc vài hôm, cháu cố gắng rèn uống thuốc theo giờ, không quên được”. Giờ thì mọi người đều dùng Zalo, nên gọi cũng tiện”.  

Đến nay, bà Nguyễn Thị Lâm ở khu phố Thượng, phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) tham gia làm cộng tác viên Dân số - Y tế được 27 năm: “Trước đây, có giai đoạn cả khu có đến 6 cộng tác viên Dân số và 2 cộng tác viên Y tế thì sau này, theo quy định mới, mỗi khu phố chỉ có một người. Mới đây, do dân số đông, khu được thêm một cộng tác viên nữa”.

Bà Lâm cho hay, phường có 7 khu phố, riêng khu phố Thượng chiếm đến 1/3 số dân toàn phường với khoảng 3.000 nhân khẩu, bao gồm cả thường trú và tạm trú. Địa bàn trải rộng với 3 quả núi, dân trong khu và trải dọc dãy phố dài nên khá phức tạp. Những đặc điểm này khiến cho công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp tránh thai, tiêm chủng, tư vấn tiền hôn nhân... rất khó khăn.

So sánh về hoạt động truyền thông giữa các giai đoạn, bà Lâm chia sẻ “Thời kỳ công tác tập trung vào Dân số - KHHGĐ, người dân trong khu chưa quá đông, chủ yếu là bản địa, trong khi đó, cộng tác viên lại nhiều nên việc tiếp cận các đối tượng truyền thông không mấy khó khăn, việc nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện để truyền thông do đó cũng sát sao hơn. Những năm gần đây hầu như mọi người, mọi nhà đều dùng điện thoại thông minh nên việc thông tin các hoạt động về Dân số - Y tế cũng thuận tiện hơn rất nhiều, dù vậy công  tác Dân số lại có những thách thức mới”.

Dẫn chứng cụ thể về một trường hợp bố mẹ đã ngoài 50 tuổi vẫn can thiệp y khoa để đẻ thêm một cặp con trai sinh đôi sau khi người con trai lớn đột ngột mất do tai nạn, chị Nguyễn Thị Chuyên - cán bộ chuyên trách Dân số phường Khắc Niệm cho rằng, công tác truyền thông hiện nay về dân số nói chung, mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng rất khó khăn. Theo chị, khó khăn ở đây là người dân có hiểu biết, nhận thức, kiến thức, họ không kháng cự với truyền thông song nghe rồi để đấy, ít chuyển đổi hành vi.

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân nên các yêu cầu về hoạt động chuyên môn ngày càng cao hơn. Chặng đường mới vẫn luôn cần sự nhiệt huyết, sức sáng tạo của những người cán bộ chuyên trách, cộng tác viên Dân số - Y tế để công tác Dân số có nhiều bước chuyển tích cực. 

Source: BBN