bn-current-user-online-portlet

Online : 3394
Total visited : 150791210

Tăng cường công tác quản lý hành nghề và thanh, kiểm tra xử lí vi phạm

27/10/2023 08:17 View Count: 290

Các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã và đang có những đóng góp không nhỏ, đồng hành cùng hệ thống y tế công trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở này, nguy cơ xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng lớn trực tiếp đến sức khỏe và kinh tế của người dân. Vì vậy, thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân và thanh tra, kiểm tra xử lí các vi phạm trong lĩnh vực này.

Trước hết, để các cơ sở y, dược tư nhân có thể hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước, Sở Y tế đã ban hành các Quy trình nội bộ thực hiện các thủ tục hành chính (quy trình cấp chứng chỉ hành nghề y, dược; cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thẩm định điều kiện sản xuất mỹ phẩm; đánh giá thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; hậu kiểm trang thiết bị y tế…).

Ngày 2/3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. Theo đó, ngoài trách nhiệm trực tiếp của ngành y tế trong vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hành nghề y, dược; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập thuộc địa bàn quản lý. Cấp huyện cũng có nhiệm vụ chỉ đạo Phòng Y tế, các đơn vị liên quan và UBND cấp xã quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. 

Vì vậy, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố mà trực tiếp là Phòng y tế tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập theo đúng Chỉ thị số 03. Ngành y tế đã phối hợp chỉ đạo Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động về kinh doanh dược, không mua bán, sử dụng sản phẩm thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường quản lý hoạt động kết nối, liên thông trên hệ thống dược quốc gia theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và Cổng thông tin của các đơn vị, ngành duy trì việc đăng tải biến động nhân sự của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định. Thông báo tới UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan danh sách các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược được cấp phép hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động. Từ đó, các địa phương có căn cứ để thống kê, báo cáo và giám sát, quản lý hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn sát thực tế nhất. Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Thông tư số 29/2014/TT-BYT ngày 14/8/2014 của Bộ Y tế quy định về biểu mẫu và chế độ báo cáo, thống kê y tế áp dụng đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Đặc biệt, Sở Y tế thường xuyên duy trì công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến lĩnh vực quản lý hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Cụ thể, trong lĩnh vực Dược, 9 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế đã cấp mới, điều chỉnh 200 chứng chỉ hành nghề dược; thu hồi 34 chứng chỉ hành nghề dược; nâng tổng số chứng chỉ hành nghề dược đã cấp lên 2.563. Tổng số cơ sở bán buôn thuốc được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh là 41 cơ sở. Tính từ đầu năm đến tháng 9/2023, đã cấp mới, điều chỉnh 295 giấy chứng nhận cơ sở đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (207 quầy thuốc, 88 nhà thuốc); thu hồi 120 giấy chứng nhận cơ sở đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (99 quầy thuốc, 21 nhà thuốc). Tổng số cơ sở bán lẻ thuốc được cấp phép hoạt động là 1008 cơ sở (744 quầy thuốc, 264 nhà thuốc).

Trong lĩnh vực Y, 9 tháng đầu năm 2023 ngành cũng cấp mới, cấp lại 473 chứng chỉ hành nghề y; thu hồi 91 chứng chỉ hành nghề y do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, trả lại, bị mất; nâng tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề y là 6.636 người. Trong năm, Sở Y tế đã phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật cho 11 cơ sở; thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho 26 cơ sở; thu hồi 32 giấy phép hoạt động do ngừng hoạt động. Sở Y tế đã cấp giấy phép hoạt động cho 31 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; nâng tổng số cơ sở được cấp phép khám chữa bệnh lên 475 cơ sở. Trong đó bao gồm 05 bệnh viện tư nhân (04 BVĐK, 01 Bệnh viện chuyên khoa), 33 phòng khám đa khoa, 317 phòng khám chuyên khoa và 120 cơ sở dịch vụ y tế khác.

Xác định bên cạnh việc quản lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân để đảm bảo hoạt động đúng quy định, ngành y tế cũng trọng tâm vào thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, thường kì và đột xuất để kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh và xử lí vi phạm nếu có. Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Đoàn hậu kiểm cơ sở công bố đủ điều kiện khám sức khỏe, tiêm chủng, an toàn sinh học, cung cấp dịch vụ chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trên địa bàn tỉnh; Đoàn kiểm tra liên ngành công tác quản lý hành nghề, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, trong năm đã triển khai 09 cuộc kiểm tra, giám sát công tác hành nghề Y, Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 844.100.000 đồng. Ngành cũng duy trì làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật quy định. Với những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân có sai phạm và bị người dân khiếu nại, tố cáo, Sở Y tế sẽ trực tiếp thành lập đoàn thanh, kiểm tra hoặc phối hợp, đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý cơ sở hành nghề vi phạm đó đến kiểm tra, xác thực và xử lí vi phạm nếu có. Nhờ vậy, công tác này đã đạt được hiệu quả tích cực nhất định.

Mặc dù vậy, hiện nay, quản lý hành nghề y, dược tư nhân vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm của ngành y tế với những khó khăn, bất cập cả về nhân lực làm công tác quản lý, công tác tuyên truyền, tập huấn lẫn thanh, kiểm tra và đặc biệt là thái độ chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hiện nay còn khá hạn chế. Vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt của ngành y tế, hoạt động quản lý y, dược tư nhân cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường và đặc biệt là người dân trong giám sát, phát hiện sai phạm để báo cáo cho cơ quan chức năng, để y tế tư nhân thực sự góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phương Nhiên