bn-current-user-online-portlet

Online : 3591
Total visited : 150778909

Tập huấn Dự án “Ngày đầu tiên” năm 2022

27/09/2022 10:12 View Count: 372

Trong 2 ngày 26 và 27/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn và triển khai Dự án “Ngày đầu tiên” năm 2022. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT 4 huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, TP Từ Sơn và 10 trạm y tế trực tiếp triển khai Dự án “Ngày đầu tiên”.

Các đại biểu tham gia tập huấn được bác sĩ Phạm Vũ Thiêm – Đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số trực tiếp giới thiệu về Dự án “Ngày đầu tiên”, các hoạt động chính của dự án, hướng dẫn các nội dung chuyên môn cũng như các hướng dẫn mới của Bộ Y tế liên quan đến quản lí, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường (THA, ĐTĐ). Ngoài ra, hoạt động truyền thông tại cụm dân cư và hộ gia đình, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, quản lí bệnh THA, ĐTĐ cũng như hoạt động báo cáo, thống kê…cũng được phổ biến đầy đủ cho các cán bộ tham gia tập huấn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Giáp phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Dự án Ngày đầu tiên được ra mắt từ năm 2016 với mục tiêu giúp người bệnh được chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt bệnh của mình. Tập đoàn dược phẩm SERVIER là đơn vị thiết kế dự án và tài trợ toàn bộ chi phí cho hoạt động dự án. 3 hoạt động chính sẽ được triển khai bao gồm: Hoạt động xây dựng 05 góc tư vấn NGÀY ĐẦU TIÊN tại các phòng khám của 4 TTYT huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, TP Từ Sơn và phòng khám của CDC; các góc tư vấn sẽ hỗ trợ người bệnh THA và ĐTĐ về tuân thủ điều trị, chế độ chăm sóc sức khỏe, điều trị, dinh dưỡng để bệnh nhân có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tuân thủ điều trị. Hoạt động tổ chức khám sàng lọc THA và ĐTĐ cho 5000 người có nguy cơ tuổi từ 40 trở lên tại 10 xã thuộc 4 huyện trên, giúp phát hiện sớm những người có nguy cơ cao THA và ĐTĐ để y tế cơ sở có thể triển khai hoạt động chẩn đoán xác định, đưa bệnh nhân vào các chương trình điều trị tại địa phương. Hoạt động cuối cùng là tổ chức 50 buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhóm bệnh nhân THA, ĐTĐ, nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh này tại 10 xã của 4 huyện trong dự án.

Lớp tập huấn có sự tham gia của đại diện CDC, 4 TTYT tuyến huyện và 10 trạm y tế sẽ triển khai Dự án Ngày đầu tiên

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Giáp – Phó giám đốc CDC cho biết, tại Bắc Ninh, hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và bênh THA, ĐTĐ nói riêng đã được ngành y tế quan tâm triển khai trong nhiều năm qua. Hiện 100% trạm y tế tuyến xã của tỉnh đều triển khai quản lí và điều trị bệnh nhân THA với hơn 22.000 bệnh nhân, 115/126 trạm thực hiện điều trị ĐTĐ với hơn 2.600 bệnh nhân. Ngành y tế cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở như mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lí y học gia đình, lập hồ sơ sức khỏe, quản lí bệnh không lây nhiễm tại trạm, mô hình bệnh viện vệ tinh…để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương. Dự án “Ngày đầu tiên” được Tập đoàn SERVIER tài trợ và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số triển khai tại Bắc Ninh sẽ là một cơ hội lớn giúp người dân được tiếp cận nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh THA, ĐTĐ hiệu quả, giúp người dân có thêm kiến thức, kĩ năng để có lối sống khỏe mạnh hơn. Không chỉ vậy, Dự án triển khai cũng giúp các cán bộ y tế có điều kiện để tiếp cận với kĩ thuật mới, từ đó có thêm kiến thức, kĩ năng trong quản lí, điều trị và chăm sóc người bệnh THA, ĐTĐ. CDC sẽ trực tiếp chỉ đạo và giám sát các đơn vị triển khai Dự án để đảm bảo dạt mục tiêu và hiệu quả đề ra.

Bác sĩ Phạm Vũ Thiêm - Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số trình bày các nội dung tại hội nghị tập huấn

Đại biểu của các đơn vị y tế sẽ triển khai Dự án cũng được tham gia đóng góp ý kiến, trình bày thắc mắc và được đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cũng như đại diện CDC giải đáp, hướng dẫn cụ thể, chi tiết để có thể triển khai Dự án tại đơn vị đạt hiệu quả cao.

Không chỉ mang đến thông tin trực tuyến chất lượng cho bệnh nhân và gia đình, dự án đang thực hiện một bước tiến xa hơn là đưa chương trình đến với các bệnh viện, thông qua những góc tư vấn riêng. Các góc tư vấn là một phần tích hợp trong quy trình chăm sóc bệnh nhân: bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu với các bệnh nhân về góc tư vấn này để họ tự tìm đến và tiếp nhận tư vấn từ các điều dưỡng viên có chuyên môn trong việc quản lý các bệnh lý không lây nhiễm. Từ đây, điều dưỡng viên sẽ phân tích tình trạng bệnh, giải thích kết quả chẩn đoán và cung cấp trực tiếp lẫn trực tuyến các công cụ giúp bệnh nhân, người thân quản lý bệnh một cách phù hợp.

Nguyễn Oanh - Đăng Thăng