bn-current-user-online-portlet

Online : 3064
Total visited : 150752781

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

05/07/2022 14:07 View Count: 838

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người được phá thai; ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, cản trở mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người được phá thai; ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, cản trở mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Mặc dù không coi phá thai là một biện pháp KHHGĐ, nhưng để đảm bảo quyền tự do lựa chọn và tiếp cận dịch vụ y tế của từng người dân, đảm bảo quyền lựa chọn của phụ nữ và tôn trọng quyết định của họ khi có thai ngoài ý muốn, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân nên phá thai an toàn được luật pháp bảo vệ. Điều 4, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 nêu rõ: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng…”. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng khẳng định: “Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp”. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 quy định chế tài nghiêm khắc với tội phá thai trái phép, quy định khung hình phạt cho tội phá thai trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định, hướng dẫn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cùng với những nội dung tương tự. Ngoài ra, còn có một số văn bản khác như Luật Bình đẳng giới 2006, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP)… Bộ Y tế cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn quy trình chuyên môn kỹ thuật cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và các kỹ thuật phá thai đối với từng tuyến.

Theo thống kế, một năm ở nước ta có đến khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Đáng lo ngại hơn nữa là phần lớn trong số này là ca nạo phá thai của các bạn nữ từ 15 - 19 tuổi. Ngoài ra, thống kê cũng chỉ ra rằng 20 - 30% các ca phá thai xảy ra ở phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% người đi nạo phá thai là học sinh, sinh viên.

Phá thai là một quyền nhưng cũng cần phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng phá thai bừa bãi. Căn cứ vào tình hình thực tế, hiện nay có các giải pháp giải quyết vấn đề như sau: 

Các giải pháp

a) Thực hiện theo quy định như pháp luật hiện hành, phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.

Giải pháp này có ưu điểm là bảo đảm quyền sinh sản của cá nhân, cặp vợ chồng. Ngoài ra, giải pháp này sẽ giúp ta không phải sửa đổi các quy định hay có thêm hướng dẫn về chuyên môn.

Tuy nhiên giải pháp này có các hạn chế là người được phá thai, người làm dịch vụ phá thai dễ lạm dụng. Giới trẻ thường chọn cách phá thai bằng thuốc - phương pháp gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe nếu người sử dụng không có kiến thức chuyên môn. Những trường hợp tự mua thuốc phá thai về dùng thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Sử dụng thuốc đúng quy trình thì tỷ lệ thành công từ 87 - 90%, sẽ có một số tai biến như băng huyết, sót nhau thai.

Ngoài ra, nếu ta quản lý không tốt có thể dẫn đến tình trạng phá thai không được kiểm soát chặt chẽ. Việc phá thai có thể bị lợi dụng cho mục đích lựa chọn giới tính trước sinh. Khi ấy, tỉ lệ nam sẽ lớn hơn tỉ lệ nữ, gây mất cân bằng giới tính khi sinh. 

b) Ngoài giải pháp trên là thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng; nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ.

Thực hiện kiểm soát, quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phá thai bằng thủ thuật, phá thai nội khoa bằng thuốc chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện hoạt động, có cung cấp dịch vụ phá thai theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ thực hiện dịch vụ phá thai khi được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Lưu hồ sơ và định kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền khi thực hiện dịch vụ phá thai tại cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai.

Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các nội dung liên quan cho người cung cấp dịch vụ, người được phá thai và vị thành niên, thanh niên.

Giải pháp này có ưu điểm là bảo đảm quyền sinh sản của cá nhân, cặp vợ chồng; giảm tình trạng phá thai, phá thai không an toàn, phá thai trái phép; giảm số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người được phá thai; giảm vô sinh, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Nhìn từ góc độ tác động giới, giải pháp này bảo đảm quyền của phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng; đồng thời quy định các hành vi bị nghiêm cấm như loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác); cấm phá thai vì giới tính của thai nhi. Quy định như vậy vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ bà mẹ, vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc, kiên quyết chống phân biệt đối xử về giới. Giải pháp này sẽ tạo cho mỗi giới sự bình đẳng về mặt pháp lý và trên thực tế về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền và lợi ích từ quy định này một cách chủ động.

Nhìn từ góc độ tác động với hệ thống pháp luật, giải pháp này có tác động tích cực là quy định của Luật Dân số thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, bao gồm: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định “Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng”; Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định “Nghiêm cấm hành vi phá thai vì lý do lựa chọn giới tính”; Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về nghĩa vụ của người bệnh “Chấp hành và yêu cầu người nhà của mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh”. Quy định về chuyên môn “Cấm phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ”. Tích hợp được các đề xuất, giải pháp cụ thể, phù hợp của Nhà nước trong lĩnh vực dân số vào chính sách dân số.

Tuy nhiên giải pháp này có hạn chế là nếu việc tổ chức triển khai thực hiện quy định không nghiêm dẫn đến một bộ phận người dân tìm đến các dịch vụ phá thai không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của người được phá thai.

Source: Tổng cục Dân số - KHHGĐ