bn-current-user-online-portlet

Online : 3335
Total visited : 150730693

Thủng dạ dày do viêm loét kéo dài từ thói quen sinh hoạt thiếu khoa học

03/10/2023 07:50 View Count: 545

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn cho biết: Ngày 11-9, bệnh nhi nam, 13 tuổi ở phường  Đình Bảng được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau từng cơn tại vùng bụng. Theo thông tin người nhà cung cấp, bệnh nhi đau bụng vùng thượng vị và hố chậu phải 2 ngày, đau âm ỉ tăng dần, kèm sốt. Do cơn đau tiếp tục tăng dần nên bệnh nhi được đưa đến trung tâm cấp cứu.

Nội soi dạ dày - tá tràng gây mê cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh. 

Thăm khám trực tiếp, các bác sĩ thấy bụng chướng nhẹ, ấn đau thượng vị, chỉ định bệnh nhân thực hiện các kĩ thuật cận lâm sàng. Kết quả nội soi dạ dày - tá tràng cho thấy, phần ổ bụng có nhiều dịch, trong niêm mạc xung huyết, mặt sau có 1 ổ loét. Kết quả siêu âm thấy vùng thượng vị và hạ sườn phải quanh vị trí môn vị tá tràng có đám thâm nhiễm kích thước đường kính khoảng 2cm, có vài hạch mạc treo. Kết quả chụp CT scanner thể hiện thành trước môn vị dạ dày mất liên tục, cạnh có bóng khí tự do kích thước 7x6mm, thâm nhiễm mỡ và có dịch xung quanh, mạc treo đến bao phủ lỗ thủng dạ dày.

Các kết quả cận lâm sàng đều hướng đến chẩn đoán bệnh nhi bị thủng dạ dày do viêm loét dạ dày tá tràng và chỉ định điều trị theo hướng nội khoa để xử trí tổn thương do lỗ thủng có kích thước nhỏ và có thể tự bít lại. Theo đó, bệnh nhi được đặt xông dạ dày, hút dịch hàng ngày, sử dụng kháng sinh, truyền dịch nuôi dưỡng, đồng thời nhịn ăn tuyệt đối.

Sau hơn 1 tuần được điều trị, chăm sóc tích cực, sức khoẻ bệnh nhi tiến triển tốt, kết quả kiểm tra lại bằng các kĩ thuật cận lâm sàng cho thấy các đám thâm nhiễm đã hồng trở lại, các hạch teo nhỏ, thành trước môn vị dạ dày liên tục và không thấy bóng khí, bệnh nhi được xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết rõ hơn, nếu vết thủng lớn hơn, chắc chắn bệnh nhi sẽ phải can thiệp ngoại khoa. Việc tránh được phẫu thuật giảm nhiều nguy cơ rủi ro, biến chứng cho bệnh nhi. Song hồi cứu nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân từ phía gia đình, các bác sĩ được biết, bệnh nhi có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, lành mạnh do thường xuyên thức đêm chơi game. Bản thân bệnh nhi đã từng đi khám, có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP song không điều trị dứt điểm và gia đình chủ quan nghĩ bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ không phức tạp. Do đó, các phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội, việc thăm khám tại các cơ sở y tế là cần thiết để tránh được các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như: Loét thủng dạ dày gây chảy máu, chảy dịch ổ bụng nhiều, nặng hơn là gây viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng máu, sốc, thậm chí là tử vong.

Được biết, thủng hành tá tràng, dạ dày không hiếm gặp, trong đó thường gặp hơn ở người lớn, gần đây có xu hướng gia tăng ở giới trẻ do stress công việc, thức khuya, thói quen ăn cay, nóng… Các trường hợp này cũng thường gặp ở người có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng hoặc dùng các thuốc điều trị xương khớp kéo dài, các thuốc giảm đau, chống viêm có thành phần corticoid và non - steroid…

Bác sĩ Trần Thị Yến, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi thông tin: Loét dạ dày ở trẻ nhỏ là tình trạng thường gặp, trong đó có nhiều trường hợp viêm loét dạ dày mạn tính và viêm loét hành tá tràng có biến chứng do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tỉ lệ viêm dạ dày chiếm khoảng hơn 90% số ca có chỉ định nội soi, trong đó tầm 20% viêm có loét, khoảng 5% viêm loét có biến chứng.

Cũng theo bác sĩ Trần Thị Yến, nguyên nhân của việc bệnh nhi bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng không được chẩn đoán, kịp thời do nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng trẻ nhỏ ít khi bị viêm loét dạ dày và tâm lí ngại cho con thực hiện gây mê để tiến hành nội soi. Không được chẩn đoán sớm nên một số bệnh nhi khi đến viện đã viêm loét hành tá tràng có biến chứng, loét có chảy máu, viêm mạn tính… Một trường hợp điển hình bác sĩ Yến từng gặp là cháu bé mới 27 tháng tuổi đã bị viêm dạ dày cấp có chảy máu. Vì vậy, bác sĩ Yến khuyến cáo việc cho con đi khám sớm, nội soi tiêu hoá khi có chỉ định của bác sĩ rất quan trọng để kịp thời phát hiện bệnh khi chưa chuyển nặng. Ngay khi trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc có các triệu chứng đường tiêu hoá như: Ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, chán ăn, đau bụng…

Theo các bác sĩ, xây dựng, rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh, không thức khuya, hạn chế sử dụng các đồ ăn nhanh, đồ ăn chua, cay… là cách phòng ngừa hiệu quả viêm loét dạ dày, hành tá tràng. Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, vì vậy để phòng ngừa sự lây lan trong môi trường gia đình, các gia đình nên từ bỏ thói quen cùng chấm chung bát nước chấm, người lớn không nên nhai, nhá thức ăn bón cho trẻ…

Nguyễn Hạnh