bn-current-user-online-portlet

Online : 3919
Total visited : 150769459

Trẻ mắc COVID-19 nhập viện gia tăng nhanh

10/03/2022 08:21 View Count: 262

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có trẻ em có xu hướng tăng cao. Số F0 là trẻ em phải nhập viện theo dõi, điều trị cũng tỷ lệ thuận với số ca mắc mới. Mặc dù tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do COVID-19 ở trẻ em trên thế giới và trong nước được ghi nhận thấp hơn nhiều so với người lớn, song không vì thế có thể coi nhẹ những nguy cơ về sức khoẻ ở đối tượng này.

Khu vực điều trị bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh kê 100 giường, gồm 2 đối tượng F0 là bệnh nhi và F0 là thai phụ/ sản phụ. Sáng 7-3, tại đây có hơn 90 bệnh nhi điều trị nội trú. Do số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng cao, có thời điểm các bệnh nhi phải nằm ké sang các phòng, giường cho bệnh nhân F0 sản khoa. Bác sỹ CKII Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: Bình thường chúng tôi phân công mỗi ca trực gồm 2 bác sỹ và 4 điều dưỡng theo dõi, điều trị bệnh nhân ở vòng trong, 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng ở vòng ngoài, nhưng khi bệnh nhân nhập viện đông, công việc quá tải, Khoa phải huy động nhân viên tăng cường. Khu điều trị F0 tại Bệnh viện Sản - Nhi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần vài ngày, nhưng rải rác bệnh nhân. Lưu lượng bệnh nhân bắt đầu đông lên từ khoảng 3 tuần trở lại đây, trong đó bệnh nhân nhỏ tuổi nhất chỉ hơn chục ngày tuổi.

Bác sỹ Hương nhấn mạnh: Không giống như các loại dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác, thường chỉ tập trung theo nhóm tuổi, ví dụ như trẻ mắc Tay - Chân - Miệng tầm 2-3 tuổi, trẻ mắc COVID-19 gặp ở tất cả các lứa tuổi từ 0 đến dưới 16. Các F0 trẻ em phải nhập viện thường có triệu chứng ở mức độ vừa, trong đó khoảng 10% được chuyển lên từ tuyến huyện, còn lại là bệnh nhi trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Để phục vụ công tác cách ly, điều trị hiệu quả, những trẻ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần điều trị nội trú được Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh bố trí một khu riêng tại khoa Nội Nhi tổng hợp. Trong khi đó, các F0 có bệnh nền được cách ly, điều trị tại khu vực khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá nhi, quá trình điều trị nếu cần sẽ có sự hỗ trợ, hội chẩn với các bác sỹ chuyên khoa sâu.

Trẻ em mắc COVID-19 có tỷ lệ chuyển nặng và tử vong thấp hơn so với người lớn song cần theo dõi sát sao dù là điều trị ở bệnh viện hay tại nhà.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 20% - 30% F0 là trẻ em có bệnh nền như: Hội chứng thận hư, xuất huyết giảm tiểu cầu, tim bẩm sinh, thalasemia… Tại khu điều trị F0 trẻ em cũng thường xuyên có từ 4-6 bệnh nhân phải thở oxy mask, thỉnh thoảng có bệnh nhân thở Cpap, thở máy… Với kinh nghiệm theo dõi, điều trị bệnh nhi mắc COVID-19, bác sỹ Hương khẳng định: Tỷ lệ chuyển nặng và tử vong ở trẻ em thấp hơn ở người lớn, song không vì thế mà công tác điều trị chủ quan. Các bệnh nhi được theo dõi sát sao, điều trị theo triệu chứng chia thành 2 nhóm: Dùng thuốc và không dùng thuốc. Những F0 nhẹ nhưng có nguy cơ chuyển nặng hoặc F0 nặng mới sử dụng thuốc kháng vi-rút qua tĩnh mạch, chủ yếu là F0 phải thở oxy.

Thông thường sau điều trị từ 7-10 ngày, bệnh nhi nặng được xuất viện, trong khi đó F0 thể nhẹ/ vừa, không có viêm phổi khoảng 3-5 ngày, sức khoẻ ổn định được cho xuất viện, tiếp tục cách ly, điều trị tại nhà theo hướng dẫn. Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: Trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch. Theo Sổ tay Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi trung ương và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp phát hành, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).

Tính từ ngày 4-10-2021 đến 4-3-2022, toàn tỉnh ghi nhận tổng số gần 20.300 ca mắc COVID-19 là trẻ em. Tổng số F0 điều trị/quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm đó là gần 36.500 ca, trong đó có gần 6.500 F0 là trẻ em. Tư vấn về cách ly, điều trị cho trẻ em là F0 nhẹ/ không triệu chứng tại nhà, bác sỹ Phạm Thị Thanh Hương lưu ý: Mặc dù theo dõi, điều trị tại nhà, việc phân luồng, cách ly giữa các thành viên trong gia đình vẫn phải thực hiện tốt để bảo đảm những cá nhân còn lại không bị lây nhiễm. Nếu trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính mà không triệu chứng thì không cần thuốc gì ngoài việc uống nhiều nước, nghỉ ngơi và vệ sinh cá nhân tốt, mở hết tất cả cửa thông thoáng. Cho trẻ uống nhiều nước, uống oresol để bù chất điện giải; đặc biệt chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú đủ, không kiêng khem; giữ vệ sinh thân thể, răng miệng; khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, những trẻ lớn nên tập thở do nhiều trẻ có hiện tượng bị hụt hơi hậu COVID-19. Theo dõi thân nhiệt thường xuyên, đo SpO2 nếu có máy. Các gia đình cũng cần nắm được những dấu hiệu chuyển nặng cần cấp cứu hay khi nào cần liên hệ với y tế địa phương.

Nguyễn Huệ