bn-current-user-online-portlet

Online : 4052
Total visited : 150807039

Vẻ vang “Người thầy thuốc mặc áo lính”

26/04/2016 07:52 View Count: 118
Ngày 16/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về tổ chức bộ máy Bộ Quốc phòng - sự kiện đánh dấu sự ra đời của ngành Quân y, Quân đội Nhân dân Việt Nam. 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Quân y đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh và tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Lễ kỷ niệm “70 năm Ngày truyền thống ngành Quân y (16/4/1946-16/4/2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất”

Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, với tinh thần hướng ra tiền tuyến, cán bộ, chiến sĩ ngành Quân y đã làm việc quên mình, dũng cảm hy sinh, bám sát chiến trường, “đồng cam, cộng khổ” với bộ đội, cấp cứu thương binh ngay tại trận địa, góp phần giảm thương, vong cho chiến sĩ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, nhiều chiến dịch, tỷ lệ thương vong của cán bộ quân y bậc đại học lên đến 14%, bậc trung cấp (25%), bấc sơ cấp (40%). Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền”, lực lượng Quân y luôn có mặt ở những nơi “chiến tranh nóng bỏng nhất”. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quân y đã cứu chữa kịp thời hơn 500 nghìn thương binh;1,5 triệu bệnh binh, trong đó, gần 60% thương binh, hơn 80% bệnh binh được trở lại đội ngũ chiến đấu, góp phần to lớn khôi phục sức mạnh chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành Quân y đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống cơ sở điều trị được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, cơ sở vật chất hiện đại, với sự phân tuyến liên tục từ trung ương đến cơ sở. Các bệnh viện tuyến trung ương như: 108, 103,175, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Viện Bỏng Quốc gia được trang bị phương tiện hiện đại với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao đã khẳng định được trình độ chuyên môn, chất lượng điều trị mang tầm quốc gia và khu vực, như việc thực hiện: ghép tạng (ghép tim, ghép gan, ghép tủy, ghép thận, ghép đa tạng); kỹ thuật vi phẫu (cả trong chấn thương chỉnh hình và tạo hình, điều trị di chứng bỏng); kỹ thuật ghép tế bào gốc; điều trị khối u bằng chùm gia tốc tuyến tính; kỹ thuật siêu lọc máu... Các đơn vị Quân y tuyến chiến dịch, chiến thuật cũng từng bước được đầu tư, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh với thiết bị chụp cắt lớp vi tính; siêu âm màu 3 chiều, 4 chiều; hệ thống mổ Phaco; máy xét nghiệm tự động nhiều thông số... giúp nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân.

Không chỉ thực hiện công tác khám chữa bệnh, ngành Quân y cũng chú trọng phát triển hệ thống y tế dự phòng, xây dựng, củng cố từ tuyến trung ương đến cơ sở. Ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trong đơn vị và địa phương nơi đóng quân. Trong nhiều năm qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm bị ngăn chặn, số vụ dịch bệnh và quy mô phát dịch cũng đã giảm rõ rệt. Bệnh sốt rét được khống chế ở mức độ rất thấp. Tỷ lệ sốt rét trong kháng chiến chống Pháp là 35-45% quân số, trong kháng chiến chống Mỹ là 25-30%, thì hiện nay, tỷ lệ chỉ ở mức 0,1-0,2%. Tỷ lệ quân số khỏe luôn ở mức trên 99%, ở vùng khó khăn, gian khổ là trên 98,5%.

Bên cạnh nhiệm vụ phục vụ Bộ đội, phục vụ quốc phòng – an ninh. ngành Quân y đã kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện Chương trình Kết hợp Quân dân y, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành Quân y đề xuất xây dựng nhiều mô hình kết hợp quân dân y từ trung ương đến cơ sở. Mô hình bệnh xá quân dân y, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là những “điểm sáng” về quân đội chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chỉ tính riêng lực lượng Quân y - Bộ đội Biên phòng, đã thực hiện: hơn 2.000 đợt khám bệnh, cấp thuốc cho gần 1,4 triệu lượt người dân vùng sâu, vùng xa. Trong hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh, đã có gần 70 nghìn lượt người dân được xử trí cấp cứu thành công; 2,6 triệu người dân được khám bệnh và trên 900 nghìn lượt được chữa bệnh.

Lực lượng Quân y từ chỗ chỉ có 63 bác sĩ, dược sĩ và 59 sinh viên chuyên ngành y, dược và một số y tá, cứu thương khi được thành lập. Đến nay, ngành Quân Y đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh với hơn 25.000 cán bộ, nhân viên, trên 5.000 cán bô y, dược, kỹ sư bậc đại học, 62,7% cán bộ y, dược đại học có trình độ trên đại học, trong đó có 76 giáo sư, 290 phó giáo sư, 595 tiến sĩ.

Cục Quân y, Bộ Quốc phòng đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

Với những công hiến to lớn, lực lượng Quân y đã được Đàng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 92 đơn vị và 569 cá nhân được phong tăng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; Quân y đã vinh dự được đón nhận 02 Huân chương Sao vàng, 04 Huân chương Hồ Chí Minh, 04 Huân chương Độc lập, 52 Huân chương Quận công; 93 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 16 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 31 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 1.438 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Ngày 15/4/2016, ngành Quân y lại vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất. Tại Lễ đón nhận, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, vinh quang này thuộc về tất cả các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng Quân y. Từ các anh hùng, liệt sĩ đã hỹ sinh đến các cán bộ lão thành và cán bộ đương nhiệm đã cống hiến hết mình cho cách mạng và cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân.

Ngày 15/4/2016, tại Hà Nội, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ kỷ niệm “70 năm Ngày truyền thống ngành Quân y (16/4/1946-16/4/2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất”. Tham dự Buổi lễ có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cùng đông đảo thế hệ các “thầy thuốc, cán bộ y tế mặc áo lính” qua các thời kỳ.

Bài, ảnh: Như Hiển
Source: T5G TƯ