bn-current-user-online-portlet

Online : 3673
Total visited : 150779071

Xây dựng phương án ứng phó khi phát hiện ca bệnh COVID-19 tại Công ty Goertek

13/09/2021 16:18 View Count: 554

Sáng 13/9, Công ty TNHH Khoa học kĩ thuật Goertek Vina tổ chức hội nghị xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi phát hiện có ca mắc COVID-19. Dự hội nghị có ông Yoshinaga Kazuyoshi - Tổng giám đốc Công ty Goertek Vina, ông Chu Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, đại diện Ban Quản lí các Khu công nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Phòng Y tế Thành phố Bắc Ninh và các cán bộ liên quan.

Đoàn làm việc đi khảo sát thực tế tại khu cách ly của nhà xưởng E5 công ty Goertek

Công ty TNHH Goertek Vina hiện có hơn 30.000 cán bộ, công nhân viên đang tham gia sản xuất. Công ty xây dựng phương án ứng phó dựa trên tình huống giả định có một công nhân tầng 2, xưởng E5-3F sau khi xét nghiệm định kì hàng tuần cho 20% người lao động của công ty cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin F0, công ty khởi động phương án đối phó khẩn cấp, thông báo đến các cơ quan chuyên môn có liên quan và tổ chức họp khẩn cấp tổ chỉ huy phòng, chống dịch bệnh triển khai kế hoạch đến từng đội chống dịch.

Công nhân được yêu cầu quét mã QR trước khi vào ăn để phục vụ công tác truy vết. Mỗi bàn ăn đều có vách ăn, đảm bảo phòng dịch

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, công ty đã thiết lập “lưới” tệp thông tin nhân sự đến mức độ chi tiết nhất; yêu cầu toàn bộ công nhân phải thực hiện quét mã QR tại khu vực nhà ăn để ghi nhận thông tin vị trí ngồi ăn, các trường hợp ngồi gần bàn ăn…nhằm đảm bảo truy vết tối đa, triệt để các trường hợp tiếp xúc gần nếu phát sinh ca F0. Hàng ngày, toàn bộ công nhân được yêu cầu khai báo lịch trình di chuyển, tình hình sức khỏe để cập nhật trên hệ thống phần mềm quản lí.

Đại diện UBND Thành phố Bắc Ninh, Ban Quản lí các Khu công nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Phòng Y tế thành phố góp ý, bổ sung vào kế hoạch của đơn vị

Hiện công ty Goertek có 8 khu nhà xưởng, đã đưa vào sử dụng 7 khu. Tại mỗi một khu nhà xưởng, công ty bố trí riêng một khu vực trống để phục vụ công tác xét nghiệm test nhanh hoặc cách ly F1 khi xác định có ca COVID-19 tại công ty từ cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính qua test nhanh, ngay tại khu vực này cũng bố trí riêng một phòng kín dùng để cách ly F0 nghi ngờ.

Đây cũng là khu vực dùng để cách ly các F1 tại khu nhà xưởng trong trường hợp chờ kết quả xét nghiệm PCR từ cơ quan y tế, hoặc khu CLTT của chính quyền bị quá tải

Các cơ quan chức năng đánh giá cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch của công ty, đã xây dựng và lên phương án cụ thể, chi tiết khi xảy ra tình huống có ca F0, trong đó phân công rõ ràng nhiệm vụ của từng tổ, đội, thành viên và có các giải pháp truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm tích cực, khẩn trương. Đại diện các cơ quan chuyên môn cũng góp ý, bổ sung và chỉnh sửa giúp công ty hoàn thiện kịch bản ứng phó, trong đó đề nghị công ty bám sát theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai áp dụng vào tình hình thực tế; cần lên phương án theo từng cấp độ, quy mô như khi có 1 ca, 10 ca, 20 ca…; F0 xuất hiện ở 1 phân xưởng hoặc nhiều phân xưởng…để chủ động triển khai các giải pháp. Toàn bộ các khu nhà xưởng của công ty hiện đều sử dụng điều hòa tổng, vì vậy cần có sự phân luồng, tạo các vách ngăn chia cách tối đa, nhỏ nhất có thể các bộ phận để giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc, giúp số lượng F1, F2 ở mức thấp nhất trong tình huống có ca F0. Với vấn đề đưa F1 đi cách ly, cùng với chính quyền địa phương, công ty cũng cần có sự phối hợp, huy động nguồn lực lái xe và xe vận chuyển nếu số lượng F1 quá lớn. Song song với đó, cần có phương án khi các đơn vị cung cấp dịch vụ cho công ty như bảo vệ, nhà ăn…khi các đơn vị này có ca F0. Ngoài ra, cũng cần phát huy tối đa vai trò của Tổ an toàn COVID trong việc tuyên truyền và duy trì phòng, chống dịch tại từng phân xưởng; có hình thức khen thưởng, kỉ luật trong phòng, chống dịch.

Với số lượng hơn 30.000 người lao động, công ty cần có sự mô hình hóa, sơ đồ hóa ngắn gọn, dễ hiểu những việc cần làm khi xuất hiện ca F0 trong công ty để toàn bộ công nhân có thể nắm được và thực hiện. Bên cạnh kế hoạch phòng chống dịch khi có ca F0, công ty cũng cần xây dựng kế hoạch đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh khi xuất hiện ca bệnh để chủ động ứng phó phù hợp.

Nguyễn Oanh – Đăng Thăng