bn-current-user-online-portlet

Online : 4160
Total visited : 150807222

Đề xuất trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc

11/01/2024 08:35 View Count: 312

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo đề xuất trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng như trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc... cho các đơn vị.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia lập kế hoạch 

Theo dự thảo, đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia - Đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. 

Việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập sẽ được thực hiện thế nào?- Ảnh 1.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia lập kế hoạch. 

Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia, trừ thuốc điều trị HIV-AIDS/thuốc kháng HIV, thuốc điều trị lao và vaccine thực hiện như sau:

  • Thuốc kháng HIV kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS; 

  • Thuốc điều trị lao kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Bệnh viện Phổi Trung ương; 

  • Vaccine kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;

Thời gian thực hiện thỏa thuận khung và thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.

Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, dự thảo nêu rõ: Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương.

Thời gian thực hiện thỏa thuận khung và thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.

Đối với các thuốc không do Đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia và Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì cơ sở y tế có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 24 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc.

Việc ghi tên gói thầu thực hiện thế nào?

Tại dự thảo nêu rõ, mỗi phần trong gói thầu thuốc generic bao gồm các thông tin sau: tên hoạt chất; nồng độ hoặc hàm lượng; đường dùng, dạng bào chế; nhóm thuốc; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị của thuốc đó;

Mỗi phần trong gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị bao gồm các thông tin sau: tên thuốc kèm theo cụm từ "hoặc tương đương điều trị"; tên hoạt chất; nồng độ hoặc hàm lượng; đường dùng, dạng bào chế; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị của thuốc đó. 

Trường hợp một hoạt chất có nhiều tên biệt dược gốc hoặc thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu đã được Bộ Y tế công bố tại Danh mục thuốc biệt dược gốc hoặc Danh mục thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc Danh mục sinh phẩm tham chiếu thì mục tên thuốc cần ghi đủ tên các biệt dược gốc hoặc thuốc đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu;

Mỗi phần trong gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền gồm các thông tin sau: tên thuốc; đường dùng, dạng bào chế; quy cách đóng gói; đơn vị tính; số lượng; nhóm thuốc; đơn giá, giá thuốc sử dụng cho một ngày điều trị và tổng giá trị cho cả liệu trình điều trị theo Hướng dẫn sử dụng. 

Việc ghi tên thuốc trong gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện như sau: Chỉ ghi tên thành phần của thuốc, không được ghi tên thương mại; Trường hợp thuốc có cùng thành phần, cùng dạng bào chế: chỉ ghi nồng độ, hàm lượng của thành phần thuốc khi sự khác nhau về nồng độ, hàm lượng dẫn tới sự khác nhau về liều dùng, chỉ định điều trị của thuốc và phải có ý kiến tư vấn của Hội đồng Thuốc và Điều trị.

Mỗi phần trong gói thầu dược liệu, gói thầu vị thuốc cổ truyền bao gồm các thông tin sau: tên dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền; tên khoa học; tiêu chuẩn chất lượng; dạng sơ chế hoặc phương pháp chế biến; nhóm thuốc; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị thuốc đó.

Việc ghi dạng bào chế thuốc thuộc gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có thành phần dược liệu phối hợp với dược chất hóa dược, thuốc cổ truyền tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Các dạng bào chế (có dấu (*)) được ghi tách riêng tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc: Chỉ được tách riêng khi có cùng dạng bào chế với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu có cùng hoạt chất, đường dùng hoặc thuốc có cùng hoạt chất, đường dùng đã được cấp phép lưu hành tại nước SRA hoặc EMA.

Việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập sẽ được thực hiện thế nào?- Ảnh 2.

Việc ghi tên thuốc trong gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện như sau: Chỉ ghi tên thành phần của thuốc, không được ghi tên thương mại...

Trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu

Dự thảo của Bộ Y tế cũng nêu rõ, các thuốc tại Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định.

Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định.

Đối với các thuốc không do Đơn vị mua sắm tập trung cấp Quốc gia và Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương tổ chức lựa chọn nhà thầu thì cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định.

Báo cáo tình hình thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo dự thảo, trong thời gian tối đa 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:

- Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu thuốc về Bộ Y tế.

- Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu thuốc thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu đến Sở Y tế tỉnh, thành phố tại địa bàn.

- Các cơ sở y tế trực thuộc y tế ngành và cơ sở y tế khác báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trong thời gian tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị theo quy định, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo về Bộ Y tế.

Trong thời gian tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị báo cáo về Bộ Y tế theo quy định, Bộ Y tế sẽ đăng tải kết quả trên Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Dự thảo nêu rõ, trước ngày 15 tháng đầu tiên của quý, cơ quan quản lý y tế của các Bộ, ngành; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp Quốc gia; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tình hình vi phạm của các nhà thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, cung ứng thuốc trong quý trước liền kề của các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý theo quy định về Bộ Y tế để tổng hợp và công bố, làm cơ sở cho các đơn vị xem xét đánh giá, lựa chọn nhà thầu trong kỳ tiếp theo.

Lê Hồng