bn-current-user-online-portlet

Online : 4067
Total visited : 150807045

Hành trang giúp mẹ sinh và nuôi con khỏe mạnh

24/06/2020 09:45 View Count: 483

Làm mẹ luôn là một thiên chức thiêng liêng với bất kì người phụ nữ nào. Và để thực hiện được thiên chức đó, những kĩ năng, cách thức để có thể sinh đẻ và nuôi nấng được một đứa trẻ từ khi vừa mới lọt lòng là điều vô cùng khó khăn. Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người có nhiều điều kiện, kinh tế hơn để có thể trang bị, tiếp thu những kiến thức hay trong suốt quá trình này. Tại các trung tâm tư vấn, hay ngay tại bệnh viện sản nhi Bắc Ninh – nơi các sản phụ đến khám, theo dõi thai kì và sinh con, cũng đều là nơi có thể giúp các mẹ có một hành trang đầy đủ để sinh và nuôi dưỡng con khỏe mạnh.

Có mặt tại buổi tư vấn tiền sản ngày 23/6/2020 tại tầng 2 toàn nhà chính của bệnh viện sản nhi Bắc Ninh, trong 6 thai phụ tham gia lớp học thì có đến 4 người mang thai lần đầu. Bỡ ngỡ, lạ lẫm và thậm chí là rụt rè khi được nghe, được trả lời những câu hỏi liên quan đến kiến thức khi sinh con và làm mẹ sau này là cảm giác chung của hầu hết các thai phụ. Buổi học hôm nay nói về phương pháp da tiếp da đối với trẻ sơ sinh – một phương pháp không mới nhưng không phải ai cũng biết đến. Chị Dương Thị Hà (27 tuổi) ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du đang ở những ngày cuối của thai kì, đến viện để chờ sinh con đầu lòng. Trong quá trình mang thai, chị cũng có tìm hiểu trên mạng internet một số kiến thức để chuẩn bị khi đi sinh con, có nghe qua phương pháp da kề da nhưng không tìm hiểu kĩ, chủ yếu quan tâm đến việc nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào. Thế nhưng nhờ ngồi nghe tư vấn tiền sản, chị mới hiểu da tiếp da có ý nghĩa, lợi ích to lớn không chỉ đối với trẻ sơ sinh mà cả với sản phụ cũng có tác dụng rất lớn. Hơn nữa, phương pháp này lại dễ thực hiện, ngoài mẹ ra thì có thể cả bố hay ông, bà cũng đều làm da kề da với bé được. “Nếu không có lớp tiền sản này, chắc mình cũng không có ý niệm gì về việc sẽ thực hiện da tiếp da với con đâu. Và như thế thì bé cũng sẽ bị thiệt thòi hơn khi không được hưởng những lợi ích như vậy. Hi vọng cuộc sinh tới đây của mình sẽ không có gì bất thường để bé được “cái ôm đầu tiên” và sau sinh mình cũng sẽ thường xuyên da tiếp da với con” – chị Hà chia sẻ.

Phòng tư vấn tiền sản mới được bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2020 vừa qua, với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật, tìm hiểu kiến thức về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh, dinh dưỡng trong quá trình mang thai của khách hàng. Đối tượng tham gia lớp tiền sản là khách hàng đến khám thai, quản lí thai tại bệnh viện, đặc biệt kể cả người thân của thai phụ cũng được khuyến khích tham gia lớp học để có thể giúp đỡ và đồng hành cùng sản phụ trong cả quá trình này. Bà Nguyễn Thị Nhiên ở xã Đông Thọ, huyện Yên Phong đến viện chăm con gái mới sinh cho biết, trước đây ở thế hệ của bà, không có ai dạy bảo cho cách nuôi con hay chăm con như thế nào, tất cả là do tự làm, tự quen và tự biết hết. Giờ thấy các con, các cháu mình có điều kiện, được các y, bác sĩ dạy bảo, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức tận nơi như vậy bà rất mừng. Có gì thắc mắc, chưa biết lại được tư vấn, hỏi han và giải đáp hết sức rõ ràng, cụ thể; được hướng dẫn trên cả mô hình em bé nên những bỡ ngỡ từ việc bế con, cho con bú ra sao đều được chỉ bảo tận tình.

Bà Lại Thị Hợi – Hộ sinh trưởng khoa sản, bệnh viện Sản Nhi là người trực tiếp giảng và chia sẻ thông tin tại lớp học tiền sản cho biết, để tiếp cận thông tin trong thời đại hiện nay là điều vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, chính vì quá dễ dàng mà nguồn tin thường bị loãng, chưa được kiểm chứng và chưa chắc đã là thông tin chính xác. Còn riêng tại lớp học tiền sản của bệnh viện, tất cả các thông tin, bài giảng đều được điều dưỡng trưởng các khoa chuẩn bị đầy đủ, nguồn tin chính thống do Bộ Y tế cung cấp và đúc rút từ kinh nghiệm lâm sàng cũng kinh nghiệm thực tế làm nghề của chính đội ngũ cán bộ y tế.

Thông qua khảo sát nhu cầu của khách hàng đến viện khám và sinh con, những nội dung, chủ đề của phòng tư vấn tiền sản được bệnh viện Sản Nhi xây dựng cụ thể xuyên suốt đến hết năm 2020. Theo đó, 10 chủ đề chính sẽ được truyền tải tập trung vào: Những thay đổi cơ thể phụ nữ khi có thai – Vệ sinh thai nghén; dinh dưỡng cho phụ nữ khi mang thai và cho con bú; thể dục khi mang thai – thở khi chuyển dạ - cách rặn đẻ; chuẩn bị trước sinh – các dấu hiệu chuyển dạ; tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ có thai và sau sinh, cách duy trì nguồn sữa mẹ; chăm sóc trẻ sơ sinh – tắm bé; massage cho trẻ sơ sinh – phương pháp và lợi ích; thay đổi cơ thể sau sinh 6 tuần và các biện pháp tránh thai sau sinh; các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh; các bệnh lí thường gặp khi mang thai và cách phòng tránh. Cùng với đó, bệnh viện Sản Nhi cũng dành riêng một phòng của tầng 2 tòa nhà chính; trong đó trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy như: 6 mô hình trẻ sơ sinh, phương tiện để tắm bé, các tranh ảnh, pano, áp phích, tài liệu phục vụ công tác tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho mẹ, cho bé…

Chị Nguyễn Thị Hương – Phó phòng điều dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, để triển khai phòng tư vấn tiền sản, đơn vị đã mời các cán bộ của bệnh viện Phụ sản Hà Nội về trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ về chuyên môn. Các giảng viên thực hiện tư vấn tại lớp tiền sản là điều dưỡng trưởng của các khoa, phòng chuyên môn trong viện với nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp chăm sóc mẹ và bé tại viện. Bước đầu sau khi triển khai lớp tiền sản, phản hồi của các đối tượng tham gia đều rất tích cực, hầu hết đều mong muốn có nhiều hơn nữa các lớp tiền sản như thế này để các sản phụ có thêm kiến thức trong việc sinh con và chăm sóc con sau sinh. Tới đây, bệnh viện sẽ triển khai tư vấn tiền sản trực tuyến qua website, facebook hoặc điện thoại để các gia đình, các mẹ có thể trực tiếp hỏi và tư vấn dễ dàng hơn….

Bước đầu triển khai chắc chắn sẽ còn gặp phải những vấn đề, tồn tại. Tuy nhiên, với phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, phòng tư vấn tiền sản sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa nội dung, đa dạng thêm hình thức truyền tải để cung cấp cho sản phụ cũng như người nhà kiến thức về chăm sóc mẹ và bé một cách thân thiện, gần gũi và dễ hiểu nhất.

Nguyễn Hạnh