bn-current-user-online-portlet

Online : 2823
Total visited : 151038428

Để phong trào thi đua yêu nước lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, trở thành động lực của sự phát triển

01/06/2018 14:23 View Count: 163
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn đều được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với những kết quả đạt được rất đáng tự hào. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Bắc Ninh cuộc phỏng vấn quan trọng về phong trào thi đua yêu nước của tỉnh thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
 
 

Phóng viên (PV): Thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh ta đã diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, lại phải diệt giặc đói, giặc dốt. Ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Người mong rằng: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường tạo ra sức mạnh to lớn đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

 Thấm nhuần Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, Bắc Ninh đã tiễn hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ; đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực cùng nhiều tiền của cho kháng chiến, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi. Với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã ghi tạc những trang sử hào hùng của truyền thống quê hương. Quân và dân Bắc Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại I.

Bước vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, các phong trào thi đua của tỉnh tiếp tục được phát động rộng khắp trên tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt những năm gần đây, công tác thi đua, khen thưởng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể đã dần đi vào nền nếp, có sự chuyển biến về chất, được đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức. Điển hình như: Phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”, “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Ngày làm việc 8 tiếng có chất lượng, hiệu quả”, tham gia cải cách thủ tục hành chính, xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; Phong trào thi đua “Đền ơn đáp nghĩa”; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ,“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện sáng tạo, có hiệu quả; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” mang tính nhân văn sâu sắc; các phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang, ngành y, giáo dục, VHTT, TTTT trong các tổ chức hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp... được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng...

PVXin đồng chí cho biết các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã có tác dụng, hiệu quả như thế nào đối với công cuộc xây dựng và  phát triển của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh: Có thể khẳng định, trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước đã có những chuyển biến tích cực, là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, các phong trào thi đua đã thực sự phát huy hiệu quả, có tác dụng cổ vũ, động viên mọi cấp, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điển hình là trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh luôn duy trì tăng trưởng cao và bền vững, bình quân tăng trưởng 15 %/năm.  Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2017, tổng sản phẩm (GRDP) chiếm 3,25% GDP cả nước, đứng vị trí thứ 4 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 19,12% (cao nhất cả nước). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 74,4%; dịch vụ chiếm 22,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 2,9%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế vươn lên xếp thứ 2 toàn quốc: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao đạt 968.846 tỷ đồng vượt 33% kế hoạch năm (chiếm 12,2% tổng giá trị SXCN của cả nước); kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với 29,85 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 3,5 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 6.027 USD… Với sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, Bắc Ninh cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành nông nghiệp đô thị, doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phong trào “Bắc Ninh chung tay xây dựng xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh, gắn với phát triển đô thị, đến nay, toàn tỉnh đã có 73  xã đạt chuẩn nông thôn mới, (chiếm 75,3%); bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,25 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân cả nước 4,25 tiêu chí), đứng trong tốp 10 cả nước, có 02 đơn vị cấp huyện (Tiên Du và Từ Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc được thành phố Bắc Ninh tổ chức ngày 23-5.

Phong trào thi đua trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể hướng vào các phong trào, cuộc vận động lớn như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”… Mỗi ngành, đoàn thể đều phát động những phong trào thi đua phù hợp nhằm động viên đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia, như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ, phong trào “Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” của Đoàn Thanh niên,  phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo” của Hội Nông dân, phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” của ngành Giáo dục, phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao” của LLVT tỉnh... Đặc biệt năm 2017, hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt “Lập thành tích chào mừng kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất” đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, liên tục ở khắp các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tôn vinh, khen thưởng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 596 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các loại, 264 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, 1.334 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chính phủ, 34 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc…

Công tác khen thưởng gắn liền phong trào thi đua đã góp phần động viên, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển trên các lĩnh vực, công tác bình xét hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua đảm bảo công khai, dân chủ, đúng thành tích, chú trọng hình thức khen nhanh, kịp thời cho các tập thể cá nhân có thành tích đột xuất, không  khen và không đề nghị khen tràn lan, không có tác động nêu gương, việc khen và đề nghị khen cho cá nhân trực tiếp lao động đã được quan tâm, chú trọng. Công tác khen thưởng trong thời gian qua thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh.

PVĐể phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa, trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh: Tuy đã có nhiều chuyển biến song việc phát động các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị, một số lĩnh vực còn chậm đổi mới; việc phối hợp, lồng ghép giữa các phong trào thi đua còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; phong trào thi đua chưa đều khắp, chưa thể hiện rõ tính đột phá. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến còn chưa kịp thời. Nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch còn chung chung, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên nên kết quả còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị với các cơ quan tuyên truyền còn chưa thường xuyên nên kết quả tuyên truyền, nhân rộng điển hình còn hạn chế. Một số đơn vị chưa có nhiều biện pháp trong việc tổ chức, duy trì phong trào thi đua; chưa quan tâm đến việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Công tác bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở một số địa phương, đơn vị còn có biểu hiện nể nang, cào bằng; cá biệt có tình trạng xét, đề nghị “luân phiên”. Công tác khen thưởng ở đơn vị nhỏ và người trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh chưa nhiều, do đó chưa khuyến khích, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, đồng thời làm giảm ý nghĩa, hiệu quả của công tác thi đua. Từ đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục các biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo các tập thể, cá nhân, nhất là những người lao động trực tiếp có thành tích phải được tôn vinh kịp thời. Để các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển rộng khắp, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong việc triển khai các phong trào thi đua gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII); Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra hiệu ứng tích cực và sự lan toả trong xã hội. Với quyết tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” sẽ làm cho các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng, trở thành ý thức tự giác của mỗi cá nhân, tập thể trở thành động lực của sự phát triển.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022”.

PVXin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Danh sách các tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6)

I. TẬP THỂ (13)

1. Nhân dân và cán bộ xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh.

2. Nhân dân và cán bộ phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.

3. Nhân dân và cán bộ xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.

4. Nhân dân và cán bộ xã Đông Phong, huyện Yên Phong.

5. Nhân dân và cán bộ thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ.

6. Nhân dân và cán bộ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành.

7. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình.

8. Nhân dân và cán bộ xã Lâm Thao, huyện Lương Tài.

9. Nhân dân và cán bộ thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

10. Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

11. Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh.

12. Trường THPT Thuận Thành số 1, huyện Thuận Thành.

13. Trạm Y tế xã Liên Bão, Trung tâm Y tế huyện Tiên Du.

II. CÁ NHÂN (57)

1. Đại tá Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chính uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

2. Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Nam Đuống.

3. Trung tá Mẫn Văn Hiệp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh.

4. Trung tá Ngô Thị Dung, Trưởng phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh.

5. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Khoa học - Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Ông Nguyễn Minh Vũ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông.

7. Bà Trần Thị Uyên, Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế - Đời sống, Báo Bắc Ninh.

8. Ông Hoàng Văn Minh, Thượng tá, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

9. Thượng tọa Thích Thanh Phụng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

10 . Ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ.

11. Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Bác sỹ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế.

12. Bà Nguyễn Thị Ươm, Điều dưỡng Khoa Lao ngoài phổi - Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh.

13. Bà Ngô Thị Soan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lâm Thao, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài.

14. Nữ tu Nguyễn Thị Xuân, Y tá Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh.

15. Bà Phạm Thị Vẻ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Thứa, huyện Lương Tài.

16. Ông Ngô Minh Ngọc, Trưởng Công an xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.

17. Ông Nguyễn Trang, Trưởng phòng Cơ điện, Công ty TNHH Một  thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Đuống.

18. Ông Trần Văn Môn, Giám đốc xí nghiệp cấp nước phố Mới, Công ty  cổ phần nước sạch Bắc Ninh.

19. Ông Nguyễn Gia Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phật Tích, huyện Tiên Du.

20. Ông Nguyễn Xuân Tiệp, Bí thư Chi bộ Ngòi Hồ Tủng (Chi bộ số 3), Tổ trưởng tổ Dân vận, Đảng bộ xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.

21. Bà Nguyễn Thị Phương, Bí thư đoàn xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.

22. Ông Lê Xuân Chung, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Quản lý kỹ thuật bộ phận PPE SP, Công ty TNHH Điện tử FOSTER, Khu công nghiệp VSIP.

23. Ông Ngô Văn Tiến, Giáo viên môn Vật Lý, Trường THPT Hàn Thuyên.

24. Ông Hoàng Đăng Hưng, Giáo viên môn Toán, Trường THPT Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình.

25. Em Vũ Văn Khu, Sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

26. Em Nguyễn Thế Khải, Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.

27. Em Nguyễn Anh Tú, Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.

28. Ông Nguyễn Văn Toàn, Huấn luyện viên bộ môn Karate, Trung tâm  Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh.

29. Ông Bùi Văn Chuyên, Vận động viên bộ môn Karate, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh.

30. Ông Nguyễn Văn Bang, Chủ nhiệm HTX Vận tải thủy thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài.

31. Ông Nguyễn Xuân Đang, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.

32. Bà Nguyễn Thị Quýnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.

33. Ông Lê Khắc Nam, Tổ trưởng tổ Cơ - Điện Nhà máy gạch Tuynel Tahaka, huyện Yên Phong.

34. Ông Vũ Đức Lộc, Công nhân Công ty TNHH JHCOS Vina, thành phố Bắc Ninh.

35. Ông Trần Văn Hiếu, Công nhân Công ty cổ phần tấm lợp Từ Sơn, thị xã Từ Sơn.

36. Ông Lê Văn Tam, Công nhân Công ty Cổ phần Catalan, huyện Yên Phong.

37. Ông Trần Văn Chung, Công ty TNHH xử lý môi trường Sao Sáng Bắc Ninh, huyện Quế Võ.

38. Ông Nguyễn Khắc Vọng, Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Hạ Long, huyện Quế Võ.

39. Ông Phạm Đình Nam Sơn, Công nhân kinh doanh điện lực Gia Bình, Công ty Điện lực Bắc Ninh.

40. Bà Nguyễn Thị Hương, công nhân môi trường, Công ty TNHH  Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh.

41. Bà Đặng Thị Bắc, Công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Đô thị Bắc Ninh.

42. Bà Nguyễn Thị Cài, Công nhân Công ty TNHH Trí Đức, huyện Thuận Thành.

43. Ông Lưu Văn Huỳnh, Công nhân Công ty TNHH Nhật Linh chi nhánh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành.

44. Ông Nguyễn Văn Tích, Nông dân thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.

45. Bà Nguyễn Thị Nhung, Nông dân may thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du.

46. Ông Nguyễn Đăng Hiển, Nông dân thôn Văn Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du.

47. Bà Mẫn Thị Hởi, Nông dân thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong.

48. Ông Nguyễn Văn Tuân, Nông dân phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh.

49. Ông Nguyễn Hồng Chiến, Nông dân dệt may thôn Tiêu Long, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.

50. Ông Nguyễn Xuân Thành, Nông dân thôn Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn.

51. Ông Nguyễn Văn Chí, Nông dân thôn An Trạch, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ.

52. Bà Nguyễn Thị Quyên, Nông dân thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.

53. Ông Nguyễn Đăng Cường, Nông dân thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.

54. Ông Nguyễn Xuân Thu, Nông dân thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú,  huyện Gia Bình.

55. Bà Nguyễn Thị Trâm, Nông dân thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài.

56. Ông Lê Văn Xuyên, Nghệ nhân Mây tre đan, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình.

57. Ông Nguyễn Tấn Đích, Nghệ nhân Đúc đồng, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình.

Xuân Bình
Source: Báo Bắc Ninh