bn-current-user-online-portlet

Online : 2105
Total visited : 151037966

Điểm báo ngày 20/3/2016

21/03/2016 02:44 View Count: 75
Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ giám sát việc chăm lo cho Hà Vi; Nghịch lý bệnh viện công - tư: Bệnh viện tư hoàn toàn lép vế…

Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ giám sát việc chăm lo cho Hà Vi

Chiều 19-3, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế đến thăm em Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10) đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, Vi bị gãy chân do tai nan giao thông nhưng vì sự tắc trách và kém chuyên môn của những người có trách nhiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) chân Vi bị hoại tử, khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phải cắt bỏ.

Khi Bộ trưởng đến tận giường bệnh hỏi thăm Vi còn đau không, có ăn được không thì Vi trả lời: “Con còn đau, ăn được ít và đêm không ngủ được”.

Nghe vậy, Bộ trưởng đề nghị bác sĩ điều trị cho Vi uống thêm thuốc giảm đau. Khi nghe Bộ trưởng hỏi Vi có nguyện vọng học ngành y không? Thì Vi rớm nước mắt trả lời cô "không thích theo ngành y, chỉ thích theo ngành công an".

Bộ trưởng nói đây là sự cố không ai mong muốn và động viên Vi hãy cố gắng vượt qua sự cố này.

“Con sẽ có chân để đi học. Con sẽ được lắp chân giả. Chân giả giờ làm tốt lắm. Bác thương con”, Bộ trưởng nói.

Khi chị gái Vi, đại điện gia đình băn khoăn về vấn xác định thương tật, chi phí điều trị sau này, chi phí lắp chân giả nhiều lần về sau… Bộ trưởng Y tế khẳng định bé Vi sẽ được xác định thương tật và được thanh toán hết những chi phí này.

Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lăk và bộ trưởng hứa sẽ giám sát vụ việc này. “Người ta không bỏ rơi con được đâu”, Bộ trưởng an ủi.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có sự đánh giá về quá trình chẩn đoán và điều trị cho bé Vi ở Bệnh viện huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), sau đó gửi cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để làm rõ trách nhiệm của bệnh viện huyện.

Các bác sĩ ở khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện  Chợ Rẫy cho biết hiện Vi đang trong giai đoạn phục hồi, kết quả các xét nghiệm trở về bình thường.

Các bác sĩ đang mong mỏm cụt của Vi lành để lắp ghép chân giả cho Vi, để Vi đi học trở lại và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. (Tuổi trẻ (trang 2), Tiền phong (trang 2).

Nghịch lý bệnh viện công - tư: Bệnh viện tư hoàn toàn lép vế

Từ nhiều năm nay, Chính phủ, Bộ Y tế đã phê duyệt, ban hành một số cơ chế, chính sách hướng tới phát triển y tế tư nhân. Thế nhưng, từ chủ trương cho đến việc thực hiện không đơn giản. Dù được coi như lực lượng quan trọng góp phần giảm tải quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng y tế tư nhân đến nay chưa được bình đẳng với y tế công lập.

So với bệnh viện (BV) công được bao cấp đủ thứ, từ đất, nhà, thiết bị y tế, lương cán bộ, hỗ trợ đào tạo..., BV tư hoàn toàn phải tự thân vận động và còn gặp khó khăn cả về nhân lực, nguồn lực lẫn các chính sách hỗ trợ. Điều này khiến các BV tư hoàn toàn lép vế so với BV công.

Bệnh viện công quá tải, BV tư vắng tanh

Theo Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, sau gần 20 năm ra đời, hệ thống y tế tư nhân (YTTN) đã có bước phát triển rõ rệt với việc thành lập hơn 170 BV, khoảng 30.000 phòng khám tư và nhiều dịch vụ khác. YTTN chia sẻ gánh nặng với BV công trong điều kiện luôn quá tải, nguồn lực từ ngân sách còn khó khăn… Thế nhưng, quá trình thực hiện lại có nghịch lý, BV công thì vẫn quá tải, thiếu giường, bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi, còn BV tư lại "vắng như chùa Bà Đanh", với gần 57% BV tư có công suất sử dụng dưới 60% và chỉ có 21,6% BV tư có công suất đạt từ 60% đến 80%, cá biệt có nơi công suất chỉ đạt 20-30%. Tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở YTTN cũng chỉ chiếm 6-7% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hằng năm của cả nước. Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ cho rằng, gần một nửa số BV tư hoạt động trong cảnh "sống dở, chết dở". Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Đệ đưa ra là do cơ chế, chính sách, nhân sự BV tư được quy định có sự phân biệt đối xử. Để tồn tại, viện phí buộc phải thu đủ, thu đúng thì người bệnh chê đắt, còn nếu thu bằng giá các BV công thì chỉ 1-2 tháng BV phải đóng cửa.

BV Đa khoa Thiên Đức (ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) có quy mô 31 giường bệnh, nhưng công suất sử dụng lúc cao điểm cũng chỉ đạt 35-40%, lúc thấp điểm đạt 20-25%. Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc BV cho biết, BV có hơn 20 giáo sư, bác sĩ làm việc chính thức, chủ yếu là những người từng làm việc ở BV công đã về hưu. Còn lực lượng bác sĩ trẻ, nhất là bác sĩ mới ra trường làm việc rất ít. Quá trình "hút" nguồn nhân lực chất lượng đối với BV tư cũng không phải đơn giản. Theo quy định, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh mới được tham gia khám bệnh, kê đơn tại cơ sở y tế. Với những bác sĩ trẻ mới ra trường, nếu không được khám bệnh, kê đơn thì làm sao họ đáp ứng đủ thời gian thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc cũng nêu một thực tế, các y, bác sĩ làm việc trong khối YTTN đang phải chịu áp lực rất lớn khi có tai biến y khoa. Tại các BV công, nếu xảy ra tai biến, BV được cơ quan quản lý chỉ đạo thành lập hội đồng thẩm định, được ngành Y tế đứng sau hỗ trợ, còn BV tư phải tự giải quyết. “Khi xảy ra tai biến cũng làm người bệnh mất niềm tin, danh tiếng BV tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều hơn" - bác sĩ Nguyễn Văn Phúc nói.

Không được phân hạng...

Một vấn đề quan trọng nữa là kết quả thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở YTTN cũng khá khiêm tốn. Có tới 413 cơ sở YTTN đăng ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội (chiếm gần 19% tổng số cơ sở KCB BHYT), nhưng số lượt khám và chi phí khám chỉ chiếm hơn 7% của cả nước. Hiện BV công được phân hạng nhưng BV tư chưa có chủ trương xếp hạng cụ thể, có chăng chỉ được quy tương đương BV hạng 2-3. Điều đó đồng nghĩa với việc BHYT hầu như không chi trả phí KCB hoặc nếu chi trả thì phần lớn ở mức tương đương BV tuyến huyện.

Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức được phân tiêu chuẩn 3.000 thẻ BHYT ban đầu, nhưng do tương đương với BV tuyến tỉnh hạng 2 nên không được thanh toán BHYT khi thông tuyến, chuyển tuyến, vì vậy, giảm khả năng thu hút bệnh nhân. Trong khi đó, năm 2015, Nhà nước lại ban hành chính sách BV hạng 2 không được thanh toán BHYT trái tuyến ngoại trú và từ năm 2016, BV tư hạng 2 không được thông tuyến, còn BV công hạng 2 thì lại được. Điều này dẫn đến, BV công đã quá tải càng quá tải, trong khi bác sĩ BV tư luôn trong cảnh "ngồi chơi xơi nước", trong khi mọi chi phí khác vẫn phải chi trả. "Chính vì vậy, người dân có sự so sánh, vào BV tư, họ hưởng chế độ, chính sách ít hơn, trong khi đến BV công được hưởng mức chi trả nhiều. So về năng lực làm việc, nhiều BV tư không thua kém, thậm chí, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp hơn BV công. Đặc biệt, khi đến BV tư, người dân không phải nằm ghép, thế nhưng do chưa nhận thức hết được khả năng của BV tư khiến họ còn lưỡng lự" - bác sĩ Nguyễn Văn Phúc nói.

Theo ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị BV Hùng Vương (Phú Thọ), Phó Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, các nhà đầu tư lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do chưa được khấu trừ thuế đầu vào để tái đầu tư như các đơn vị kinh doanh khác. BV tư cũng rất ít được các Sở Y tế mời tham gia hội nghị khoa học chuyên ngành để cập nhật kiến thức mới cho bác sĩ, nhân viên. BV tư muốn cử bác sĩ đi học tập ở trong và nước ngoài để nâng cao tay nghề, trình độ đều hoàn toàn tự chủ kinh phí, không có sự hỗ trợ từ phía ngành Y tế như các BV công.

Nói về sự phân biệt, đối xử giữa BV công - tư, Tổng Giám đốc BV Đa khoa tư nhân 16A Hà Đông Phạm Thành Vận cho rằng, ông đã từng "kêu" và kiến nghị nhiều về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn không giải quyết được gì.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương: Mọi BV trên lãnh thổ Việt Nam đều là tải sản của nhân dân và cùng tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Y tế công và tư đều là khách hàng của BHYT thì không có lý do gì xem trọng bên này, xem nhẹ bên kia. Chính vì vậy, mọi cơ chế, chính sách cần phải "dành đất" cho BV tư phát triển, không nên đẩy họ vào thế bị chèn ép, để rồi sinh ra chán nản. (Hà nội mới (trang 1).

Source: T5G