bn-current-user-online-portlet

Online : 4163
Total visited : 151050595

Điều trị sốt xuất huyết – những điều đáng lưu tâm

17/07/2017 14:16 View Count: 130

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn cả nước, đã ghi nhận hơn 45.000 ca mắc. Tại Bắc Ninh, theo thống kê của TTYT dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận và điều tra 48 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Tại khoa truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, bệnh nhân Nguyễn Văn Cường ở Việt Yên, Bắc Giang hiện đang là sinh viên học tập và sinh sống tại Hà Nội, sau khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi toàn thân, điều trị bằng thuốc không đỡ đã phải về nhà và nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Hay như bệnh nhân Trần Thị Mai Liên ở phường Vệ An, TP Bắc Ninh sau 1 tuần ra Hà Nội chăm em gái sinh con, chị về nhà đi làm bình thường, sau khoảng 2 tuần bắt đầu có những triệu chứng như rét run, sốt trên 38o. Chị Liên chia sẻ, cứ nghĩ là bị cảm nên đã đánh gió, nghỉ ngơi, uống thuốc nhưng không đỡ. Sau đó chị sốt cao hơn, uống thuốc hạ sốt nhưng chỉ 1 tiếng sau đã sốt lại, ngày truyền 2 chai nước nhưng cũng chỉ đỡ được vài tiếng, trong người cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Sau 4 ngày tự điều trị tại nhà, tình hình càng ngày càng nặng, chị Liên đã phải nhập viện cấp cứu. Sau khi được điều trị sốt xuất huyết theo đúng phác đồ, đến nay chị Liên đã cắt sốt, các nốt phát ban bắt đầu nổi khắp người và chân tay.

Bệnh nhân Liên đã cắt sốt, các nốt phát ban đã bắt đầu phát ra toàn thân, đặc biệt nhiều ở vùng chân

Ghi nhận tại khoa truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận và điều trị cho 27 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng tháng 6/2017 đã điều trị cho 7 ca, đặc biệt chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7 đến nay, khoa đã tiếp nhận 15 ca sốt xuất huyết. Tất cả những bệnh nhân này đều đang sinh sống, học tập hoặc vừa di chuyển từ Hà Nội về, chưa ghi nhận trường hợp nào phát sinh bệnh tại địa phương.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa truyền nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue truyền qua muỗi đốt gây ra. Bệnh có những triệu chứng thông thường là sốt, sốt cao liên tục 39-40o, kèm theo là đau đầu, mệt mỏi toàn thân, nhức 2 hố mắt. Bệnh thường kéo dài từ 5 – 7 ngày, đặc biệt từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 bệnh có các dấu hiệu nặng, có nguy cơ biến chứng nặng.

Cũng theo bác sĩ Dũng, hầu hết các ca sốt xuất huyết nhập viện đều trong tình trạng khá nặng, có chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc, xét nghiệm tiểu cầu thấp dưới 20 G/l, thậm chí có trường hợp xét nghiệm tiểu cầu chỉ 9G/l. Và một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà.

Tất cả các bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận điều trị tại khoa truyền nhiễm, BVĐK tỉnh đều học tập, sinh sống hoặc di chuyển từ vùng có dịch về, tại Bắc Ninh chưa ghi nhận trường hợp nào phát sinh bệnh.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, vì bệnh có các triệu chứng ban đầu là sốt, đau đầu, mệt mỏi nên bệnh nhân dễ lầm tưởng các bệnh sốt, cúm thông thường và tự ý mua thuốc điều trị. Trong các nhóm thuốc bệnh nhân thường tự ý mua có thể gặp phải nhóm thuốc Salicylat (trong đó phổ biến nhất là thuốc Aspirin). Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có hiện tượng chảy máu. Thế nhưng, nhóm thuốc này lại có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, đây là điều tối kị và người bệnh cần sử dụng loại thuốc hạ sốt an toàn hơn. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể bị mất dịch, nôn, chán ăn. Vì thế nhiều người nghĩ truyền dịch sẽ giúp cơ thể bù nước, tăng sức khỏe. Nhưng điều trị bệnh này, tùy mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp, nhiều trường hợp bệnh nhân sốt cao, phản ứng cơ thể rất mạnh, hệ miễn dịch cũng suy yếu, việc truyền dịch quá nhiều sẽ gây sốc, có thể gây ra tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng tim… Ngoài ra, có một sai lầm khác mà người bệnh tự điều trị tại nhà cũng có thể gặp phải là hạ sốt quá cấp tập, nhất là đối với trẻ em do tâm lí lo lắng. Tuy nhiên, người bệnh cần xác định, sốt xuất huyết là do virut, nhiệt độ của bệnh nhân sau khi uống thuốc sẽ hạ, nhưng sau đó sẽ tiếp tục sốt cao liên tục. Nếu quá nôn nóng, sử dụng thuốc hạ sốt quá nhiều và không đảm bảo thời gian sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh. Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc của bệnh nhân trong giai đoạn này cũng rất quan trọng, các gia đình có người bệnh sốt xuất huyết cũng cần lưu tâm đến vấn đề này để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.

Nếu không được điều trị, sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ bị tụt huyết áp, chảy máu bất thường, đau bụng, tràn dịch màng phổi… Đáng chú ý, bệnh sẽ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh sốt xuất huyết, nên cách tốt nhất vẫn là người dân nên chủ động phòng chống sốt xuất huyết bằng cách: diệt lăng quăng, bọ gậy và nằm màn chống muỗi đốt….

Minh Cường
Source: Trung tâm TT-GDSK