bn-current-user-online-portlet

Online : 2246
Total visited : 151038069

Bệnh sốt rét và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào ?

24/05/2023 10:01 View Count: 190

Sốt rét và sốt xuất huyết đều là những căn bệnh do muỗi gây ra. Tuy nhiên, việc phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết là điều quan trọng để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Bởi nếu áp dụng sai cách có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Vậy phân biệt hai bệnh này như thế nào? Câu trả lời sẽ có ở những chia sẻ dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Kí sinh trùng, Côn trùng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh

Như chúng ta đã biết, bệnh sốt rét và sốt xuất huyết đều do muỗi mang mầm bệnh rồi tấn công người. Vì vậy, để phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết, trước hết cần phân biệt tác nhân gây ra hai căn bệnh này.

Tác nhân gây sốt xuất huyết

Virus Dengue chính là tác nhân gây ra sốt xuất huyết. Virus này tấn công người thông qua muỗi vằn cái, tên khoa học là Aedes Aegypti. Muỗi vằn là loại muỗi có màu đen, trên thân, bụng và chân có từng khoang đen, trắng. Thông thường, muỗi vằn sẽ hoạt động nhiều nhất vào buổi sáng và lúc chiều tối. Chúng bay rất nhanh và chỉ bay đi khi đã đốt và hút máu căng bụng. Muỗi vằn cũng thường sống ở nơi gần con người, ẩm thấp và có ánh sáng yếu.

Tác nhân gây sốt rét

 Khác với sốt xuất huyết, tác nhân gây ra sốt rét là ký sinh trùng Plasmodium lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới. Con người sẽ bị ký sinh trùng này tấn công nếu bị muỗi cái Anophen đốt. Sau khi đã vào máu, ký sinh trùng này sẽ tìm đường vào gan và sinh sôi ở đây. Chúng lần lượt phá vỡ tế bào gan, tế bào hồng cao rồi lần lượt phá vỡ, sinh sôi ở những tế bào hồng cầu khác.

Đặc điểm của muỗi Anophen là chiều dài cơ thể của chúng bằng chiều dài vòi, khi đốt sẽ chếch một góc 45 độ. Trên cánh của chúng còn có các vẩy đen trắng. Thời gian hoạt động chính của chúng là ban đêm. Do đó, những loài động vật trong rừng và người đi rừng, người sống ở miền rừng rậm sẽ thường mắc sốt rét hơn.

Như vậy, dựa vào hình dáng bên ngoài, nơi sinh sống cũng như thời gian hoạt động của muỗi, ta có thể phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết thông qua tác nhân gây bệnh.

  1. Dựa vào triệu chứng để phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết  

          Ba triệu chứng để phân biệt 2 bệnh truyền nhiễm này là thời gian ủ bệnh, sốt và xuất huyết dưới da. Dù ban đầu, những triệu chứng của chúng là sốt cao, rét run nhưng chúng vẫn có sự khác nhau như sau.

          Thời gian ủ bệnh hay thời gian xuất hiện triệu chứng của hai bệnh là khác nhau:

  • Sốt xuất huyết: Các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện sau khoảng 4 - 5 ngày kể từ khi bị đốt. Từ lúc phát hiện bệnh với những cơn sốt đầu tiên, khoảng 7 - 10 ngày sau bệnh sẽ giảm dần.
  • Sốt rét: Khác với sốt xuất huyết, những triệu chứng của sốt rét sẽ xuất hiện sau 10 - 15 ngày kể từ khi bị muỗi đốt.

2. Sốt và xuất huyết dưới da

          Sốt xuất huyết

  • Khởi phát của sốt xuất huyết là những cơn sốt đột ngột kéo dài suốt 3 - 4 ngày, người bệnh có thể sốt từ 39 đến hơn 40 độ. Cùng với đó là cơn đau đầu và đau nhức xương kéo dài.
  • Một số người bệnh bị xuất huyết dưới da sau khi đã hạ sốt hoặc cũng có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu.
  • Một số người sốt xuất huyết còn buồn nôn, đau ở hốc mắt, chán ăn,…

Sốt rét

  • Khác với sốt xuất huyết, người bị sốt rét sẽ có thời gian sốt ngắn hơn nhưng nhiều triệu chứng hơn như đau xương khớp, đổ mồ hôi, thiếu máu, nôn,… Vì vậy, có thể dựa vào các dấu hiệu trên để có thể phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết.
  • Sau những dấu hiệu trên, sốt rét sẽ trở lại với những cơn sốt điển hình lần lượt qua 3 giai đoạn: giai đoạn rét run, giai đoạn sốt nóng, giai đoạn vã mồ hôi.

Không biến chứng: Thông thường những cơn sốt sẽ xuất hiện từng đợt kéo dài 6 - 10 tiếng. Những cơn rét run thì từ 15 phút tới 1 tiếng (giai đoạn cường giao cảm). Khi nhiệt độ tăng đến 39 - 40 độ C thì cơn rét khoảng 30 phút đến vài giờ đồng hồ rồi giảm dần, cơ thể vã mồ hôi. Ngoài ra còn có thể vàng da nhẹ.

  • Sốt rét biến chứng: Nếu nghiêm trọng có thể gây tử vong. Một vài bệnh nhân có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nhức mỏi người. Khi bệnh bắt đầu ảnh hưởng tới nội tạng, máu và khả năng trao đổi chất, triệu chứng dần trở nên mạnh hơn, bệnh nhân có thể thay đổi hành vi, bắt đầu mất nhận thức, co giật, khó thở, hạ huyết áp,…

3. Phòng tránh sốt rét và sốt xuất huyết

Sốt rét và sốt xuất huyết đều là những căn bệnh truyền nhiễm, gây nguy hiểm cho con người và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dù có thể phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết nhưng cách phòng tránh của 2 căn bệnh này là giống nhau, chủ yếu là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Cụ thể, để phòng tránh, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp sau:

Đậy kín dụng cụ chứa nước, lật úp những dụng cụ chứa nước không cần thiết để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đây chính là những nơi lý tưởng để muỗi cái đẻ trứng.

  • Dọn vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà. Thu gom những vật dụng có thể chứa nước đọng như chai, lọ, bình, thậm chí là mảnh vỡ thủy tinh, ống bơ,…
  • Mặc quần áo dài tay, sáng màu, che kín da. Trang phục này sẽ tránh tạo sự thu hút đến muỗi. 
  • Ngủ màn dù ngày hay đêm.
  • Phối hợp tích cực với địa phương và y tế để phun chất phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
  • Để hạn chế muỗi đốt, bạn có thể dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi hoặc kem xua muỗi.
  • Nếu chẳng may mắc bệnh, hãy chủ động có phương pháp để tránh làm lây bệnh cho người khác.

Sốt rét và sốt xuất huyết đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc chủ động phòng tránh cũng như biết cách phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết để có cách điều trị phù hợp là rất cần thiết. Khi có bất kỳ các triệu chứng bất thường về sức khỏe như trên bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn điều trị.

Source: CDC