bn-current-user-online-portlet

Online : 3616
Total visited : 151114075

Bệnh tay chân miệng

07/11/2011 03:08 View Count: 47
 Theo thông báo của Cục YTDP – Bộ Y tế hiện nay tình hình bệnh Tay– Chân – Miệng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành trong cả nước. Đến hết tháng 5/2011, cả nước đã có hơn 6.000 ca mắc, tử vong 17 ca. Qua kết quả xét nghiệm ca bệnh phía Nam cho thấy vi rút gây bệnh TCM đã có sự biến chủng, độc lực mạnh, gây biến chứng nặng và nguy cơ gây tử vong cao.

 Đặc điểm chung của bệnh tay chân miệng:

Bệnh TCM là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh trẻ thường có những biểu hiện như: Sốt nhẹ và nổi bóng nước từ 2- 10 mm, màu hơi xám, hình oval, xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể lồi lên trên da hoạc ẩn dưới da, thường ấn không đau. Loét miệng là dấu hiệu thường thấy do các bóng nước bị vỡ nên trẻ rất đau khi ăn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Bệnh đã phổ biến ở một số nước trong khu vực và đang trở thành vấn đề y tế cộng đồng quan trọng tại Việt nam.

Bệnh TCM có quanh năm, tăng mạnh ở 02 đợt: tháng 2 – 6, tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em <15 tuổi, đặc biệt là trẻ em <5 tuổi có tỉ lệ cao hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

 Bệnh TCM do nhóm vi rút đường ruột (enterovirus) gây nên. Trong đó các vi rút gây bệnh tay - chân - miệng: 11 chủng thuộc Coxsakievirus A (từ 2 đến 8, 10, 12, 14, 16); 4 chủng thuộcCoxsakievirus B (1, 2, 3, 5) và Enterovirus 71, phổ biến làCoxsakievirus A16 và Enterovirus 71.

Bệnh chân - tay - miệng do các chủng Enterovirus khác thường ở thể nhẹ, ít có biến chứng; do Enterovirus 71 nguy hiểm hơn và thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Vi rút bị đào thải ra ngoại cảnh từ phân, dịch đường mũi họng do ho, hắt hơi. Vi rút bị bất hoạt bởi nhiệt độ 56 0C trong vòng 30 phút, tia cực tím, tia gama. Không hoặc ít bị bất hoạt bởi các chất hòa tan lipid như: Cồn, Phenol, Ether...

Nguồn lây và thời kỳ lây truyền

Nguồn bệnh là người bệnh, người lành mang vi rút trong các dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc phân của bệnh nhân.

Thời gian lây nhiễm từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước, thường dễ lây nhất trong tuần đầu của bệnh.

Đường lây truyền

Bệnh TCM lây truyền bằng đường “phân - miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu là lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn, ghế, nền nhà,...Đặc biệt khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người.

 Các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

1. Tại các nhà trẻ mẫu giáo

 - Khi trẻ mắc bệnh không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 02 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 07 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.

- Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan Y tế trên địa bàn.
- Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng Chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát đũa, cốc ngâm tráng nước sôi trước khi sử dụng.

- Bảo đảm tất cả trẻ em, người chăm sóc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền theo đường “phân - miệng” khác như ăn chín, uống sôi.

- Thường xuyên làm thông gió lớp học.

2. Tại gia đình bệnh nhân

   - Bệnh nhân phải được cách ly. Khi có các biẻu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,5˚C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời .

   - Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho, hắc hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện không để vi rút lây lan sang người khác

   - Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng chloramin B;

   - Quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử trùng bằng đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;

   - Đối với người chăm sóc bệnh nhân: hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ; thường xuyên vệ sinh răng miệng.

   - Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh.

   - Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay - chân - miệng, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,...

 - Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.

3. Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân

Cán bộ y tế phải áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua đường tiếp xúc để phòng ngừa lây lan trong bệnh viện:

- Rửa tay ngay bằng dung dịch sát trùng khi có tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân dù có hay không có mang găng tay.

- Mang trang phục phòng hộ cá nhân khi làm những thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo giọt bắn tới niêm mạc.

4. Đối với cộng đồng

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân đặc biệt là những phụ huynh học sinh, người làm công tác hậu cần ở nhà trường các kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh TCM.

 

 

 

   - Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hàng ngày.
   - Làm sạch bề mặt và khử trùng các dụng cụ nhiễm bẩn chất tiết và bài tiết của bệnh nhân bằng dung dịch chloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng khác.
   - Che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi rút lây lan.
   - Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,5˚C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Sở Y Tế
Source: BBN