bn-current-user-online-portlet

Online : 4553
Total visited : 151071110

Bệnh viện Sản Nhi tăng cường điều trị dịch bệnh mùa đông xuân cho trẻ

25/11/2018 14:36 View Count: 104

Thời tiết khí hậu mùa đông xuân là điều kiện rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa như bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy do rota virus… Trẻ nhỏ với sức đề kháng kém là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm này nhất. Chính vì vậy, tăng cường công tác điều trị cùng với tư vấn, giáo dục sức khỏe để các gia đình chủ động chăm sóc trẻ là điều hết sức cần thiết trong lúc này.

Chỉ tính riêng trong tháng 9 và tháng 10/2018, đơn nguyên Nội nhi tiêu hóa truyền nhiễm - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho gần 1000 lượt bệnh nhân. Các bệnh lí chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Cụ thể có gần 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, hơn 80 trẻ tiêu chảy do rota virus, 12 trẻ mắc bệnh sởi, một số ít trẻ mắc quai bị và thủy đậu. Đặc biệt, với bệnh tay chân miệng, thống kê từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng 300 trường hợp, chủ yếu tập trung vào trẻ dưới 5 tuổi trong khoảng thời gian tháng 9 và 10 vừa qua. Tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Quan trọng là cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, vừa không để các triệu chứng nặng thêm, vừa phòng lây lan ra cho trẻ khác và cộng đồng.

Ngoài bệnh tay chân miệng, hiện tại số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do rota virus cũng đang có xu hướng tăng. Bệnh thường gặp ở trẻ 6 tháng đến 36 tháng tuổi, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa (phân – miệng). Rotavirus gây viêm dạ dày ruột rất đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn. Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2-3 ngày và kéo dài khoảng 5-7 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến tiêu chảy mất nước nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Nôn và đi ngoài phân tóe nước là 2 đặc điểm lâm sàng thường gặp trong tiêu chảy do rotavirus mà ít thấy trong các căn nguyên khác. Thông thường trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt sau đó là tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Phân thường không có nhày máu. Hầu hết những trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy do rotavirus có cả 3 triệu chứng tiêu chảy, nôn và sốt.

Mặc dù không có sự gia tăng đột biến, nhưng các ca bệnh sởi vẫn rải rác xuất hiện và có số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh sởi gặp chủ yếu ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Hầu hết các trẻ đều chưa được tiêm phòng sởi và chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi (1 mũi lúc 9 tháng và 1 mũi lúc 12 tháng tuổi). Hiện nay, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng bệnh. Vì vậy, khuyến cáo các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Mặt khác, sởi là bệnh rất dễ lây nên cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. 

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi; hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện… 

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương
Source: Bệnh viện Sản Nhi